Dân sống 'vất vưởng' bên dự án khu công nghiệp Mai Sơn

GD&TĐ - Nhiều hộ dân ở bản Tiến Xa (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đang phải sống 'vất vưởng' do nằm trong quy hoạch dự án của Khu công nghiệp Mai Sơn.

Toàn cảnh Khu công nghiệp Mai Sơn.
Toàn cảnh Khu công nghiệp Mai Sơn.

Dự án này quy hoạch “treo” gần 20 năm cũng đồng nghĩa với việc người dân ở đây bị “treo” cùng dự án từng ấy năm. Họ phải sống trong cảnh… tiến thoái lưỡng nan.

Đi không được, ở cũng chẳng xong...

Nằm ở xã được công bố đạt chuẩn nông thôn mới từ tháng 11/2018, nhưng ít ai ngờ rằng suốt gần 20 năm trở lại đây các hộ dân bản Tiến Xa (xã Mường Bon, huyện Mai Sơn) lại phải sống “vất vưởng” trong vùng quy hoạch của Khu công nghiệp Mai Sơn.

Theo phản ánh, 13 hộ dân có nhà và đất vườn nằm trong quy hoạch dự án treo khu công nghiệp. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư. Những hộ dân nói trên đang lâm vào cảnh đi không được mà ở cũng chẳng xong.

Các hộ dân ở đây không thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không dám đầu tư dài hạn trên đất. Nhà ở hư hỏng, xuống cấp trầm trọng nhưng cũng không thể sửa chữa, xây mới. Đất đai cũng không thể chuyển nhượng được.

Trong căn nhà tạm bợ được dựng bằng mấy cột gỗ mục, vách bong tróc, nứt nẻ và xuống cấp trầm trọng qua thời gian, bà Bùi Thị Vui, bản Tiến Xa bộc bạch: “Tôi sống ở đây từ năm 1998. 4,2ha đất vườn của tôi nằm trong dự án khu công nghiệp này. Tôi trồng chủ yếu là các loại cây ăn quả.

Khu công nghiệp vào xây dựng nói sẽ lấy đất của gia đình tôi. Họ vào kiểm đếm cây cối khoảng 6 lần. Chồng tôi đi đếm cây mất hơn 3 tháng, đếm xong họ lại không đền bù. Giờ chồng tôi mất hơn 3 năm nay, nhưng việc đền bù đất vẫn không đâu vào đâu cả.

Dự án treo gần 20 năm nay rồi. Tôi đã phản ánh với chủ đầu tư là nếu không lấy đất thì bảo tôi, để tôi còn đầu tư xây dựng chuồng trại. Tuy nhiên, lúc nào họ cũng nói là lấy. Do đó, cuộc sống, sinh hoạt và phát triển kinh tế của gia đình tôi bị ảnh hưởng. Nhà cửa thì dột nát, tôi không có chỗ ở, xây dựng thì không được phép. Gia đình tôi rất mệt mỏi”, bà Vui nói.

Theo bà Vui, toàn bộ diện tích đất vườn và nhà ở của gia đình đều nằm trong Dự án Khu công nghiệp Mai Sơn. Nếu đền bù, gia đình ước tính sẽ nhận được khoảng 16 tỷ đồng. Trong khi phía chủ đầu tư thì cho biết: Khi nào đền bù thì mới bố trí đất tái định cư cho gia đình, còn không thì vẫn phải ở nhà cũ.

Bà Vui cho biết, rất nhiều lần bên phía chủ đầu tư, xã, huyện cũng mời đi họp, nghe thông báo về việc thu hồi đất, nhưng cứ họp xong rồi lại để đấy.

Gia đình ông Phạm Văn Thắng, bản Tiến Xa cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ông Thắng nói: “Đất vườn và nhà ở của tôi đều nằm trong quy hoạch của dự án treo này. Riêng đất vườn tôi có 1,7ha. Trong đó, khu công nghiệp dự định lấy 8.300m2, số diện tích còn lại không lấy.

Bây giờ, họ làm đường đến sát nhà tôi nhưng không giải toả. Nhà thì bị nứt nẻ, cột gỗ bị mục, công trình sinh hoạt đều xuống cấp, muốn sửa hoặc xây mới cũng không được. Trời mưa to, tôi sợ đổ nhà lắm nhưng không biết phải làm sao”.

Bà Vui ngồi thẫn thờ trước ngôi nhà bị xuống cấp trầm trọng.

Bà Vui ngồi thẫn thờ trước ngôi nhà bị xuống cấp trầm trọng.

Dự án gần 300 tỷ đồng “treo” gần 20 năm

Theo tài liệu Báo GD&TĐ thu thập được, ngày 8/11/2006, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 2732 phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Mai Sơn. Địa điểm xây dựng là ở xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn.

Chủ đầu tư ở giai đoạn chuẩn bị là Ban Quản lý khu công nghiệp huyện Mai Sơn; giai đoạn thực hiện dự án, chủ đầu tư là Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp Sơn La. Tổ chức tư vấn lập dự án là Công ty cổ phần đầu tư phát triển Hà Nội số 8.

Quy mô diện tích lập quy hoạch 150ha, giai đoạn I: 63,70ha; giai đoạn II: 86,30ha. Tổng mức đầu tư dự án gần 300 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư giai đoạn I gần 154 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án ở giai đoạn I từ 2006 - 2010; giai đoạn II là 2011 - 2015.

Tuy nhiên, do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng và chậm tiến độ thi công, dự án này đã có 6 lần liên tục điều chỉnh thời gian thực hiện.

Ông Lò Văn Bưu, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bon nói: “Ở giai đoạn 1 triển khai dự án, có 54 hộ nằm trong quy hoạch khu công nghiệp. Hiện, còn 13 hộ chưa nhận được đền bù. Tôi rất hiểu nỗi khổ của người dân phải sống trong vùng quy hoạch treo suốt gần 20 năm qua”.

Ông Phạm Văn Thắng chỉ tay về ngôi nhà đã bị xuống cấp.

Ông Phạm Văn Thắng chỉ tay về ngôi nhà đã bị xuống cấp.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hạ tầng Khu công nghiệp Mai Sơn cho biết, về công tác giải phóng mặt bằng, kiểm đếm cây cối để đền bù do UBND huyện Mai Sơn đảm nhiệm.

Trung tâm dịch vụ hạ tầng Khu công nghiệp Mai Sơn chỉ phối hợp. Còn việc người dân phản ánh gặp khó khăn khi nằm trong dự án là có, Trung tâm dịch vụ hạ tầng Khu công nghiệp Mai Sơn đã nắm được.

“Để chậm tiến độ thi công là do trách nhiệm của UBND huyện không giải phóng được mặt bằng. Không có mặt bằng chúng tôi cũng chịu, không thể thi công được. Trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cũng có chỉ đạo về việc trên. UBND tỉnh đã thành lập 1 đoàn công tác chuyên về giải phóng mặt bằng khu công nghiệp này. Hiện tại tổ công tác vẫn còn, nhưng đến bây giờ vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong”, ông Mạnh thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.