Dân sống khổ trong dự án ‘đắp chiếu’ nhiều năm ở Thái Nguyên

GD&TĐ - Tình trạng sạt lở ở dự án khu tái định cư tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên khiến nhiều hộ dân sống trong sợ hãi mỗi khi mùa mưa tới.

Cảnh hoang hóa của Khu tái định cư xã Vạn Thọ.
Cảnh hoang hóa của Khu tái định cư xã Vạn Thọ.

Khung cảnh hoang tàn…

Thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên) làm chủ đầu tư xây dựng 7 dự án tái định cư (TĐC) với tổng số vốn đầu tư hơn 174 tỉ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 86 tỉ đồng) cho người dân vùng thiên tai sạt lở đất, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, di dân vùng bán ngập hồ Núi Cốc.

Mục tiêu của các Dự án TĐC này là bố trí, sắp xếp chỗ ở cho 299 hộ dân có nguy cơ xảy ra thiên tai vùng bán ngập hồ Núi Cốc. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, có những dự án không phát huy được hiệu quả, gây ra tình trạng thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước và địa phương. Trong số này, phải kể đến Dự án Khu TĐC tại xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ.

Dự án Khu TĐC tại xã Vạn Thọ được Chi cục Phát triển nông thôn thuê đơn vị thăm dò địa chất, khảo sát, thiết kế, tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng khu tái định cư với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỉ đồng. Dự án được khởi công từ tháng 9/2015.

Trong trí nhớ của ông Nguyễn Văn Bằng (57 tuổi, trú tại thôn 6, xã Vạn Thọ), khu vực được quy hoạch thực hiện dự án trước đây là những đồi chè bát ngát. Nghề làm chè từ lâu cũng là sinh kế của những người dân sinh sống tại đây. Sau khi biết thông tin về dự án và những giá trị thiết thực mà nó mang lại, người dân đều vui vẻ hiến đất để thực hiện.

“Chủ đầu tư san ủi sườn đồi với chiều dài lên đến hàng trăm mét, rộng khoảng 30-40m để tạo mặt bằng khu TĐC. Tuy nhiên, năm 2016, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã khiến nhiều hạng mục như đường điện, cống thoát nước… bị hư hỏng nghiêm trọng, đất đá tràn xuống chiếm gần một nửa chiều rộng mặt bằng dự án TĐC”, ông Bằng chia sẻ.

Chỉ tay lên vạt đồi với những ụ đất đang chực đổ sập xuống, ông Bằng cho biết hiện tại gia đình ông và nhiều người dân trong xã không dám thu hoạch diện tích keo gần đó vì sợ mất đi rễ cây bám, những ụ đất sẽ sạt lở xuống gây nguy hiểm.

Một người dân khác cho biết, ban đầu khi xảy ra hiện tượng sạt lở, đơn vị thi công còn dọn dẹp khắc phục nhưng khi thấy khối lượng đất rất lớn dọc sườn đồi dài vài chục mét bắt đầu sệ xuống, dưới chân đồi sạt lở ngày một nhiều thì không khắc phục được nữa. Sau vài tháng thi công, khu TĐC bị bỏ hoang đến bây giờ, thành nơi thả trâu, bò của người dân.

Ông Nguyễn Văn Bằng cho biết, mỗi khi trời mưa to, đất trên đồi cao ào ào đổ xuống khu mặt bằng tái định cư và tràn vào nhà dân.

Ông Nguyễn Văn Bằng cho biết, mỗi khi trời mưa to, đất trên đồi cao ào ào đổ xuống khu mặt bằng tái định cư và tràn vào nhà dân.

Người dân nơm nớp lo sợ

Dự án TĐC dang dở, hàng chục hộ dân không những không được di chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn mà còn bị ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống.

Mỗi khi có mưa lớn, bùn đất trôi theo nước mưa không có chỗ thoát dẫn đến ngập nhiều đoạn đường bê tông ở phía dưới, đi lại rất khó khăn.

“Đất trên đồi cao ào ào đổ xuống khu mặt bằng tái định cư và tràn vào nhà dân. Ban đêm nước về bất ngờ, người dân trở tay không kịp. Những gia đình không có đàn ông ở nhà thì phải kêu gào, nhờ hàng xóm đến cứu. Bây giờ, cứ mùa mưa là chúng tôi mất ăn, mất ngủ”, ông Bằng chia sẻ.

Sinh sống sát hồ Núi Cốc nên gia đình bà Nguyễn Thị Quyên (54 tuổi) hầu như năm nào cũng phải hứng chịu những hậu quả của nước lũ, lần gần nhất là vào tháng 4/2022.

Bà Quyên kể, vào thời điểm trên, trời có mưa lớn. Đến tối cùng ngày, nước lên mấp mé mép hiên nhà. Gia đình bà Quyên nghĩ nước sẽ không dâng cao nên hầu như không có động thái di tản tài sản, con người lên chỗ an toàn.

Tuy nhiên, đến khoảng 3h sáng, nước dâng cao cuốn theo rác, bùn tràn vào trong nhà. Bà Quyên chỉ kịp gọi chồng và các con ngồi vội lên thuyền chèo ra chỗ an toàn.

Đợt đó, gia đình bà Quyên tổn thất khoảng 60 triệu đồng vì các thiết bị điện tử bị nước phá hủy. Chỉ tay vào dấu vết con nước dâng để lại trên chiếc cột nhà, bà Quyên mong mỏi gia đình sẽ được hỗ trợ chuyển đến một khu vực khác an toàn hơn. Thế nhưng, với hiện trạng của khu TĐC xã Vạn Thọ, gia đình bà chưa biết khi nào mới thực hiện được ước mơ.

Dấu vết nước dâng để lại tại chân cột nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Quyên.

Dấu vết nước dâng để lại tại chân cột nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Quyên.

“Hầu như năm nào gia đình tôi cũng bị thiệt hại bởi nước lũ. Năm nước lên theo quy luật thì thiệt hại ít chứ như năm vừa rồi nước dâng trái mùa khiến chúng tôi thiệt hại rất nhiều. Những thiệt hại đó chúng tôi đều phải chịu hết nên gia đình rất mong muốn có một chỗ trú ngụ mới an toàn hơn. Nhiều năm trước, bên chính quyền có đến hỏi gia đình tôi về nguyện vọng lên khu tái định cư nhưng sau đó không thấy đả động gì nữa”, bà Quyên nói.

Cũng là một trong những hộ dân chịu thiệt hại nặng mỗi khi nước hồ Núi Cốc dâng, nhưng gia đình ông Phạm Văn Cẩn (xóm 9, xã Vạn Thọ) lại rơi vào cảnh “đứng giữa hai dòng nước”. Một mặt muốn đến nơi ở mới, một mặt gia đình ông lại muốn gắn bó với mảnh đất cũ của tổ tiên.

“Lên chỗ ở mới thì tránh được thiên tai, nhưng nếu theo quy hoạch thì mỗi hộ dân chỉ được cấp một mảnh đất đủ để xây chỗ trú ngụ, còn lại, đất canh tác coi như không có. Trong khi đó, gia đình tôi hiện tại có đến 7 nhân khẩu và diện tích đất sản xuất cũng nhiều.

Nếu di chuyển về nơi ở mới chúng tôi biết lấy gì để kiếm kế sinh nhai. Tôi thiết nghĩ, nếu chính quyền đã quan tâm đến đời sống của người dân thì ngoài bố trí cho họ chỗ ở cũng phải ít nhiều cho họ chút đất canh tác”, ông Cẩn chia sẻ.

“Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ xác nhận tình trạng hoang hóa của Dự án Khu TĐC xã Vạn Thọ. Theo ông Tuấn Anh, hiện khu TĐC chỉ có một rãnh nước, hàng cột điện. Đơn vị thi công lấy lý do sạt lở do đó chưa triển khai tiếp tục được dự án. Hiện địa phương chưa nhận được thông tin gì cho thấy dự án sẽ tiếp tục được triển khai”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ