Chậm tái định cư Dự án Hồ chứa nước bản Mồng, trách nhiệm thuộc về ai?

GD&TĐ - Dù được khởi công xây dựng từ năm 2010, nhưng Dự án Hồ chứa nước bản Mồng vẫn chưa hoàn thành.

Nhà văn hóa thôn không được sửa sang, xuống cấp nghiêm trọng.
Nhà văn hóa thôn không được sửa sang, xuống cấp nghiêm trọng.

Hơn 14 năm qua, 119 hộ dân (thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn mòn mỏi chờ được an cư.

Hơn trăm hộ dân sống lay lắt…

Dự án Hồ chứa nước bản Mồng nằm trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An và một phần huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là dự án thủy lợi nhóm A, được khởi công xây dựng từ năm 2010.

Khi có thông tin phải di dời đến nơi ở mới, con trai bà Lữ Thị Lan (thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân) vẫn chưa lấy vợ. Thế nhưng, đến nay, cháu nội bà Lan đã 12 tuổi, gia đình bà Lan vẫn chưa thể di dời.

Nhà bà Lan có 3 thế hệ, nhưng phải sống chung trong 1 căn nhà 40 m2, không được tách hộ, không thể cơi nới, xây dựng mới.

“Nhà đông người mà diện tích thì bé nên gia đình rất muốn mở rộng ra, ngay cả cái bếp cũng xập xệ, tả tơi rồi. Mấy năm nay muốn làm lại cũng không được vì vướng dự án. Người dân chúng tôi cứ chờ đợi hết năm này sang năm khác vẫn chưa có câu trả lời”, bà Lan bộc bạch.

Ông Vi Văn Sơn (bản Thanh Sơn) chia sẻ: “Thôn có nhiều gia đình sống 3 - 4 thế hệ trong những căn nhà chật hẹp, sinh hoạt hằng ngày rất khó khăn, bất tiện. Dân chúng tôi hơn 10 năm nay sống trong cảnh đi không được, ở cũng không xong.

Trường học, nhà văn hóa, đường sá đi lại xuống cấp hết cả rồi nhưng không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa khiến trẻ em tới trường chịu nhiều thiệt thòi, người dân đi lại khó khăn, nhất là những lúc ốm đau, sinh nở. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên xã, huyện, mong sớm được di dời để ổn định cuộc sống nhưng cứ chờ hết năm này qua năm khác, nay đã hơn 14 năm rồi”, ông Sơn băn khoăn.

Ở thôn Thanh Sơn này, sự phát triển dường như đều dừng lại ở thời điểm 14 năm trước. Do dự án tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi hồ chứa nước bản Mồng thiếu vốn, không thể triển khai được.

Đến nay, nơi đây vẫn như vùng biệt lập, không có sóng điện thoại. Con đường độc đạo dẫn vào thôn khó khăn, cầu qua suối dựng lên tạm bợ. Nhà văn hóa thôn hư hỏng, xuống cấp những điểm tu bổ cũng chắp vá, chỗ được chỗ mất…

Ông Hà Văn Tới, Trưởng thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, cho biết: “Hơn 14 năm, tất cả các công trình phúc lợi để đầu tư vào thôn bị cắt hết. Cuộc sống của bà con bị hạn chế vì sợ đầu tư làm gì xong lại di dời nên cuộc sống cứ tạm bợ, lay lắt qua từng ngày”.

Còn theo ông Lương Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân thì ở xã có 7 cái khe, cứ mỗi lần bà con làm cầu xong đến mùa mưa bão về là cầu trôi mất. Rất mong cấp có thẩm quyền sớm có câu trả lời cho bà con nhân dân ổn định cuộc sống.

Căn bếp của gia đình bà Lữ Thị Lan đã xập xệ, rách nát vẫn chưa thể xây lại.

Căn bếp của gia đình bà Lữ Thị Lan đã xập xệ, rách nát vẫn chưa thể xây lại.

Mòn mỏi chờ an cư?

Liên quan đến dự án trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề nghị xem xét, bổ sung kinh phí và điều chỉnh thời gian thực hiện hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân với tổng kinh phí thực hiện hợp phần là 488,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện Hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân đến hết năm 2025.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa, cho biết: “Trong thời gian chờ thủ tục pháp lý của cấp có thẩm quyền điều chỉnh phê duyệt dự án, sở cũng đã phối hợp với các ngành tuyên truyền để bà con tiếp tục yên tâm sản xuất trên vùng ảnh hưởng của dự án và chuẩn bị tâm thế tốt nhất đến nơi ở mới.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với cơ quan Trung ương sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án để có cơ sở triển khai nội dung tiếp theo”.

Như vậy, trong khi đợi các quyết sách từ các bộ, ngành liên quan, 119 hộ dân tộc Thái ở thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân sẽ vẫn tiếp tục đợi chờ trong mòn mỏi…

Dự án Hồ chứa nước bản Mồng (xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) được Bộ NN&PTNT phê duyệt từ tháng 5/2009, xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu (xã Yên Hợp). Theo thiết kế, lòng hồ rộng 25 km2, nằm trên địa bàn các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu (Nghệ An) và một phần khu vực xã Thanh Hòa (huyện Như Xuân, Thanh Hóa). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng (sau điều chỉnh), tích nước lên cao trình +78,9 m. Dự án là công trình lớn, đa mục tiêu, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 18.871 ha ven sông Hiếu, cấp nước cho sông Cả và cho công nghiệp dân sinh, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của người dân tỉnh Nghệ An.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.