Mất kế sinh nhai vì điện gió
Qua nhiều vụ mùa bỏ hoang, người dân liên tục phản ánh việc ruộng lúa bị bãi thải công trình điện gió bồi lấp, chủ đầu tư các dự án điện gió mới chịu hỗ trợ cho người dân xã Húc, huyện Hướng Hóa. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ người dân nhận được vô cùng ít ỏi, không đủ chi phí cải tạo, phục hồi ruộng lúa để tiếp tục sản xuất.
Gia đình anh Hồ Văn Thọ (trú tại thôn Ta Núc, xã Húc, huyện Hướng Hóa) có tổng diện tích khoảng 8 sào ruộng lúa. Trước đây, vào mỗi vụ mùa thì gia đình không phải mua gạo. Nhưng khoảng 2 năm nay, ruộng lúa bị bãi thải công trình điện gió bồi lấp nên không có thu hoạch, hai vợ chồng phải đi làm thuê để kiếm tiền mua gạo.
Anh Thọ cho biết, sau khi dự án điện gió của Công ty TNHH MTV Tài Tâm - Hoàng Hải dựng các trụ điện phía trên cao và không gia cố các bãi thải, cuối năm 2021, toàn bộ diện tích ruộng lúa của gia đình anh đều bị bồi lấp. Do lớp đất bồi lấp quá dày, cứ mưa là tiếp tục bồi, nên anh Thọ không thể tự khắc phục được.
Ruộng lúa gia đình anh Hồ Văn Thọ bị vùi lấp nặng, không thể canh tác nhưng chỉ đền bù với số tiền ít ỏi. |
Thời gian dài ruộng bị bồi lấp dẫn đến bỏ hoang, không thể sản xuất, nhưng chủ đầu tư không chịu hỗ trợ khắc phục thỏa đáng khiến anh bức xúc.
Gần đây, gia đình anh Thọ mới được chủ đầu tư dự án điện gió đền bù, hỗ trợ, nhưng khoản tiền nhận được khá bèo bọt.
“Hôm đó, đại diện công ty gọi đến trụ sở công an xã đền bù ruộng lúa bị bồi lấp. Công ty làm điện gió chỉ đền bù hơn 6,5 triệu đồng cho 8 sào ruộng của gia đình đã bị bồi lấp. Tôi có thắc mắc nhưng họ cũng chỉ đồng ý đền bù chừng ấy. Với số tiền này không đủ để cải tạo, phục hồi ruộng lúa chứ chưa nói đến việc đền bù ảnh hưởng do ruộng bị bồi lấp, bỏ hoang suốt 2 năm nay”, anh Thọ cho hay.
Theo anh Hồ Văn Thọ, ngoài gia đình anh còn có một số hộ dân khác cũng được đền bù: Hộ anh Hồ Văn Thể (thôn Tà Rùng) được hỗ trợ 2 triệu đồng cho diện tích khoảng 5 sào bị vùi lấp; Hộ anh A Ta (thôn Ta Núc) cũng chỉ được hỗ trợ khoảng 2 triệu đồng...
Một số dự án điện gió đầu tư tại xã Húc không quan tâm đến việc gia cố các bãi thải, đảm bảo môi trường. |
Không đảm bảo lương thực, dân sẽ càng nghèo
Trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện có 19 dự án điện gió đã đi vào hoạt động. Việc thi công xây dựng các dự án điện gió đã làm ảnh hưởng khoảng 37,25 ha đất nông nghiệp, với khoảng 24,08 ha lúa nước của gần 300 hộ dân và nhiều diện tích hoa màu, cây lâu năm. Đáng chú ý, ngoài một số dự án điện gió đã hỗ trợ, bồi thường, vẫn còn không ít dự án chưa thống nhất phương án bồi thường cho người dân.
Tương tự gia đình anh Thọ, hộ anh Hồ Văn Thiểu (thôn Húc Thượng, xã Húc) có 6 sào ruộng bị bồi lấp, nhưng chỉ được chủ đầu tư dự án điện gió hỗ trợ khoảng 14,5 triệu đồng.
Anh Hồ Văn Thiểu cho biết, đã 2 năm nay, ruộng bị bồi lấp nên không canh tác được. Gia đình phải trồng sắn hoặc đi làm thuê, thậm chí mượn lúa gạo để đảm bảo cuộc sống.
“Hôm trước, đại diện công ty thông báo đến trụ sở xã và chỉ đồng ý đền bù hơn 14,5 triệu đồng cho 6 sào ruộng của gia đình. Tôi không đồng ý nhận, nhưng đại diện công ty nói “nếu không nhận thì làm việc sau””, anh Thiểu cho hay.
Cũng theo anh Thiểu, thôn Húc Thượng có 8 hộ được đền bù, có anh Hồ Văn Ngọc chỉ được đền bù 3 triệu đồng.
Những người dân được đền bù ruộng lúa bị bồi lấp đều cho rằng, với số tiền đền bù ít ỏi đó không thể khắc phục được ruộng lúa đã bị bồi lấp để tiếp tục sản xuất. Bởi, cần bỏ ra số tiền gấp nhiều lần số tiền hỗ trợ mới thuê được máy cào múc đi lớp đất đá bồi lấp.
Được biết, hiện mới chỉ có 19 hộ dân ở xã Húc có ruộng lúa bị bãi thải của dự án điện gió bồi lấp được chủ đầu tư hỗ trợ tiền.
Bãi thải từ các trụ điện gió tiếp tục bị xói lở, bồi lấp khi mưa lớn. |
Ông Hồ Văn Ka Rai - Chủ tịch UBND xã Húc - nói rằng, thời gian qua, gần 5 ha lúa nước và hoa màu của 52 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án điện gió phần lớn bỏ hoang. Nhưng đến nay mới chỉ một nửa hộ dân bị ảnh hưởng được đền bù. Chính quyền ở đây rất lo, vì khi người dân không trồng được lúa sẽ không có lương thực, cuộc sống rơi vào khó khăn, nhiều hộ sẽ rớt xuống hộ nghèo.
“Ruộng lúa của người dân có trước, dự án điện gió tới làm sau. Ban đầu, dự án nói đã thu hồi, đền bù các diện tích bị ảnh hưởng rồi và cam kết không ảnh hưởng đến các diện tích xung quanh. Nhưng khi triển khai xong thì không gia cố các bãi thải, tuyến đường nên cứ mưa là đất đá trôi xuống, vùi lấp nhiều diện tích. Chỉ có người dân là thiệt thòi”, ông Hồ Văn Ka Rai nói.
Lãnh đạo UBND xã Húc nói rằng, xã chỉ phối hợp với dự án điện gió và người dân kiểm kê diện tích bị bồi lấp, còn việc đền bù bao nhiêu là do dự án điện gió thỏa thuận với người dân.
Ông Lê Quang Thuận – Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa - cho biết, các nhà máy điện gió triển khai ở các xã khác tại địa bàn cũng có tình trạng bồi lấp, ảnh hưởng đến hoa màu, ruộng lúa, ao cá của người dân, nhưng việc giải quyết cơ bản ổn. Riêng ở xã Húc, nhiều hộ bị ảnh hưởng, việc giải quyết hỗ trợ cho người dân chậm.
“Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã phải phối hợp với dự án điện gió và người dân trong việc thống kê, đưa ra giá hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi cho người dân”, ông Lê Quang Thuận cho hay.