Dân nghèo 'gánh' giá điện cao vì... 72 cây gỗ

GD&TĐ - Dự án lưới điện bản Nà Đang, xã Lâm Phú, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) được đóng điện từ 2016, do UBND huyện làm chủ đầu tư.

Trạm hạ thế ở bản Nà Đang, xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa). Ảnh: Hồng Đức
Trạm hạ thế ở bản Nà Đang, xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa). Ảnh: Hồng Đức

Tuy nhiên, đến thời điểm này công trình vẫn chưa thể bàn giao cho ngành điện quản lý.

Dân nghèo phải mua điện giá cao

Vì công trình điện 35KVA chưa được bàn giao cho ngành điện quản lý, nên nhiều năm nay người dân ở bản Nà Đang, xã Lâm Phú, huyện lang Chánh, Thanh Hóa vẫn phải mua điện giá cao, với mức 2.500 đồng/Kwh.

Ông Phạm Văn Nhị, Chủ tịch UBND xã Lâm Phú, cho biết: Bản Nà Đang có hơn 56 hộ dân đồng bào người Thái. Đây là bản thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã.

Từ năm 2016, Nà Đang được Nhà nước đầu tư công trình điện lưới quốc gia, kéo từ trung tâm xã lên bản, với chiều dài hơn 12 km. Tuy nhiên, từ khi công trình điện lưới này được đóng điện, dân bản vẫn phải mua điện giá cao, với mức 2.500 đồng/1Kwh.

“Bản Nà Đang có 56 hộ, có 24 hộ nghèo, là bản đặc biệt khó khăn chưa bị điều chỉnh theo Quyết định 861/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện tại bà con ở Nà Đang vẫn đang phải bỏ tiền ra mua điện sinh hoạt hàng ngày với giá 2.500 đồng/1Kwh.

UBND xã cũng như bản Nà Đang rất mong chủ đầu tư công trình lưới điện quốc gia này sớm hoàn thiện các thủ tục, bàn giao dự án về cho ngành điện quản lý, để họ bán điện đúng với quy định cho người dân đỡ thiệt thòi”, Chủ tịch UBND xã Lâm Phú nói.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, hiện nay Điện lực Quan Sơn là đơn vị quản lý và bán điện cho xã Lâm Phú (Lang Chánh). Do đó, dự án lưới điện bản Na Đang (nếu chủ đầu tư là UBND huyện Lang Chánh bàn giao được cho ngành điện), thì đơn vị này sẽ quản lý và bán điện theo giá quy định của Nhà nước cho người dân.

Vì công trình chưa bàn giao được, nên Điện lực Quan Sơn mới bán điện đến đầu công tơ tổng. Từ công tơ tổng này, một người dân ở xã Lâm Phú đứng ra nhận thầu, quản lý và bán lại cho các hộ dân ở Nà Đang, với giá 2.500 đồng/1 Kwh.

Trong khi đó, theo quy định về giá điện nông thôn, thì hiện tại Điện lực Quan Sơn đang thu đúng theo quy định ở đầu công tơ tổng hệ thống điện bản Nà Đang.

Điện lực Quan Sơn áp dụng giá bán buôn điện nông thôn cho đầu mối công tơ tổng ở Nà Đang, với mức như sau: Bậc 1, cho Kwh từ 0 - 50 là 1.403 đồng... đến bậc 6, cho Kwh từ 401 trở lên là 2.323 đồng.

Vì sao chậm trễ bàn giao công trình?

Người dân ở bản Nà Đang vẫn phải trả điện sinh hoạt giá cao. Ảnh: Hồng Đức

Người dân ở bản Nà Đang vẫn phải trả điện sinh hoạt giá cao. Ảnh: Hồng Đức

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Phạm Hùng Sâm, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Lang Chánh, cho biết: Dự án lưới điện bản Nà Đang, xã Lâm Phú có tổng vốn đầu tư 21 tỷ đồng và đã đóng điện từ năm 2016.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao được dự án cho ngành điện quản lý. Nguyên nhân chậm trễ trong việc bàn giao dự án vì, trên tuyến đường điện đi vướng 72 cây gỗ trong rừng phòng hộ có nguy cơ đổ, gãy gây mất an toàn lưới điện.

“Khi đóng điện, một số khoảng cột của đường dây 35KVA chưa đảm bảo an toàn quy định của ngành điện, do địa hình phức tạp. Ở thời điểm nghiệm thu, đóng điện thì ngành điện lực vẫn chấp nhận đóng điện cho huyện.

Tuy nhiên, do phía ta luy dương (dọc tuyến đường điện) có 72 cây gỗ ở trong rừng phòng hộ có nguy cơ đổ, gãy vào đường dây, đe dọa sự an toàn lưới điện”, ông Sâm cho hay.

UBND huyện Lang Chánh đã làm văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin phép được chặt hạ số cây trên để đảm bảo hành lang lưới điện lên bản Nà Đang. UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý, nhưng số cây gỗ rừng ấy lại liên quan đến Ban quản lý lâm trường Sông Lò trước kia (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn).

Do đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn phải lập kế hoạch, trình Chi cục Kiểm lâm, Sở NN&PTNT Thanh Hóa để có kế hoạch khai thác số cây gỗ trên. Mặc dù có đánh giá số cây gỗ trên là gỗ tạp, không có giá trị, nhưng Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn vẫn không cho chặt hạ.

Lý do đưa ra là: Thực hiện nghiêm chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước như Chỉ thị 13-CT/TW/2017; Nghị quyết 71/NQ-CP/2017 yêu cầu. Tiếp tục đóng cửa rừng tự nhiên đến năm 2030, không khai thác gỗ từ rừng tự nhiên.

Tới ngày 6/12/2021, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, chỉ đạo: “Không khai thác, chặt hạ cây rừng tự nhiên nằm sát hành lang lưới điện 35KVA bản Nà Đang. Chỉ cắt, tỉa cành, nhánh để đảm bảo an toàn cho hành lang đường dây tải điện theo quy định.

Sản phẩm cành, nhánh sau khi cắt tỉa được thu gom, dọn dẹp đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy rừng. Chỉ được sử dụng tại chỗ và nghiêm cấm vận chuyển buôn bán, tiêu thụ hay lợi dụng việc cắt tỉa để khai thác lâm sản trái pháp luật.

UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Lang Chánh chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện. Hạt Kiểm lâm Lang Chánh kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ nêu trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra những vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo rõ ràng là vậy, nhưng sự việc đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Sự chậm trễ bàn giao dự án lưới điện bản Nà Đang để ngành điện lực quản lý, bán điện cho người dân đã, đang, tiếp tục làm ảnh hưởng đến quyền lợi và cuộc sống của người dân nghèo bản Nà Đang.

Liên quan đến sự việc này, cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện Lang Chánh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ