Để thích ứng với tốc độ già hóa dân số nhanh, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra các biện pháp để thích ứng với tình hình chung.
Tốc độ già hóa nhanh kéo theo nhiều thách thức
Xu hướng già hóa dân số tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2011. Dự báo đến năm 2036, dân số tại Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già và tới năm 2069 sẽ bước vào giai đoạn rất già. Đáng chú ý, giai đoạn này có thể đến sớm hơn từ 10-15 năm.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện là địa phương có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất cả nước, tăng nhanh về số lượng người cao tuổi (NCT). Theo Ths Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chia sẻ tại ‘Hội thảo khoa học già hóa dân số và chính sách thích ứng với già hóa dân số trên địa bàn”, dù TP.HCM bước vào thời kỳ già hóa dân số chậm hơn so với nhiều tỉnh thành, nhưng tốc độ già hóa dân số lại diễn ra nhanh nhất.
Chỉ số già hóa của thành phố đã tăng liên tục với tốc độ nhanh, từ 39,39 năm 2010 lên 65,36 năm 2023. Mỗi năm, TP.HCM tăng khoảng 30.000 người cao tuổi. Cứ 100 người trẻ dưới 15 tuổi hiện nay có 65,36 người cao tuổi. Dự báo tới năm 2030, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ đạt khoảng 1,8 triệu người và vào năm 2050, con số này có thể vượt 3 triệu người.
Tốc độ già hóa nhanh chóng đặt ra nhiều thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng y tế, xã hội, các chính sách… để nhóm người cao tuổi được đảm bảo chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, hiện hệ thống khám bệnh chuyên khoa lão khoa chưa được phát triển. Các chính sách an sinh cho người cao tuổi cũng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu cơ bản…
Người cao tuổi lại trong cảnh già nhưng không khỏe. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng bộ môn Lão khoa (Đại học Y dược TP.HCM), tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng nhanh từ 65,5 tuổi vào năm 1993 lên 74,5 tuổi vào năm 2023, vượt qua nhiều quốc gia có thu nhập bình quân đầu người tương tự. Trung bình, người cao tuổi phải chịu đựng 14 năm bệnh tật, mắc 3-6 bệnh nền như xương khớp, tim mạch, tiểu đường, huyết áp... đòi hỏi rất nhiều nguồn lực từ gia đình, xã hội và ngành y tế.
Hiện nay, mô hình bệnh tật lại chuyển dịch từ các bệnh nhiễm trùng sang bệnh không lây nhiễm mạn tính như tim mạch, đái tháo đường và các rối loạn tâm thần... Các bệnh lý này không chỉ gây suy giảm chức năng mà còn làm tăng nguy cơ tàn tật, điển hình như mất thị lực, mất thính lực và đau mạn tính. Từ đó dẫn tới những hệ lụy về chất lượng sống của người cao tuổi.
Tăng cường các giải pháp để ứng phó với tốc độ già hóa, phát huy vai trò của người cao tuổi
Trong thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng sống với người cao tuổi, TP. HCM đã triển khai một số hoạt động chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi như; thí điểm khám sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi tại các trạm y tế trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện và quản lý điều trị các bệnh không lây; lập hồ sơ sức khỏe điện tử xác định mô hình sức khoẻ bệnh tật, chủ động can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tại các phường xã, các CLB người cao tuổi giúp người cao tuổi và mô hình tổ tình nguyện nguyện giúp đỡ người cao tuổi già yếu neo đơn đã phát huy tốt trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Theo ông Phạm Chánh Trung cho rằng, để ứng phó được tình trạng già hóa dân số cần phải đồng bộ chung tay của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân.Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Về lâu dài, ngành Y tế sẽ củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi, xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh nhiều giải pháp khác như xây dựng một vài cơ sở chăm sóc người cao tuổi; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vận động con cháu, xã hội hóa và ngân sách Nhà nước hỗ trợ để tất cả người cao tuổi có thẻ BHYT; phát triển lão khoa tại các bệnh viện…
UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch chăm sóc sức khỏe NCT phấn đấu đạt vào năm 2030 gồm các mục tiêu như: NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ...). NCT có khả năng tự chăm sóc được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe. 100% NCT không có khả năng tự chăm sóc được chăm sóc gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.
Thành phố cũng thí điểm mô hình Trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa. Các bệnh viện có khoa lão và bệnh viện tuyến quận, huyện dành một số giường để điều trị người bệnh là NCT đạt 100% năm 2025 và duy trì đến năm 2030...