Dẫn dắt cảm xúc: Mở lối tới hạnh phúc

GD&TĐ - Trong cuộc sống, đôi khi con người bị chi phối bởi ngoại cảnh để rồi ảnh hưởng đến chính cảm xúc của chúng ta. Nếu là những suy nghĩ tích cực, nó giúp mọi người sống lạc quan hơn,

Trong cuộc sống, đôi khi con người bị chi phối bởi ngoại cảnh để rồi ảnh hưởng đến chính cảm xúc của chúng ta. Nếu là những suy nghĩ tích cực, nó giúp mọi người sống lạc quan hơn, ngược lại sẽ tác động đến không chỉ ý thức mà còn là biểu hiện hành vi tiêu cực.

Mở cửa cho tương lai

Buồn, vui, hạnh phúc... đều là những cảm xúc khác nhau gây ảnh hưởng đến cách chúng ta sống và tương tác với những người khác. Đôi khi, con người bị chi phối bởi những cảm xúc này. Những lựa chọn,  hành động và nhận thức chúng ta có được đều chịu ảnh hưởng bởi những cảm xúc trong cuộc sống.

Nhà báo Lê Phương Dung, Truyền hình Quân đội Nhân dân chia sẻ: “Tôi may mắn được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, trong số đó có cả những thanh niên mặc áo tù nhân.

Đằng sau song sắt của trại giam, là cả câu chuyện đầy nước mắt của những chàng trai mới trưởng thành. Đôi khi, họ chưa chín chắn trong việc kiềm chế cảm xúc, thế nhưng, phần lớn họ bị ảnh hưởng bởi các hình ảnh xấu được xem trên các trang mạng hay học tập từ môi trường mà họ đã sống tác động đến hành vi ứng xử với người xung quanh. Từ đó, họ đã tạm khép một cánh cửa cho tương lai tươi sáng phía trước”.

Phương Dung cũng kể câu chuyện “ám ảnh” cô nhiều ngày công tác. Đó là hình ảnh của một chàng thanh niên mới 20 tuổi, chỉ vì xem quá nhiều phim bạo lực đã làm theo khi gặp phải tình huống đó. Lúc này, người thân cũng không kiểm soát được để rồi phải lĩnh bản án 8 năm tù.

8 năm ở cái độ tuổi ấy là thời gian đánh dấu nhiều cơ hội, bước ngoặt cho tương lai. Ấy vậy mà, tự tay em đó đã đóng sập lại. Khi chạm mốc 30 tuổi, bước ra ngoài cuộc sống, không biết em sẽ bắt đầu như thế nào?

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy – Giảng viên Học viên Thanh Thiếu niên, chuyên gia tư vấn tâm lý chia sẻ: Các nhà tâm lý học đã cố gắng xác định các loại cảm xúc khác nhau mà con người trải nghiệm như hạnh phúc, vui, buồn, nỗi sợ hãi... Trong tất cả các loại cảm xúc đó, hạnh phúc có chiều hướng được mọi người phấn đấu đạt được nhất.

Hạnh phúc được định nghĩa là một trạng thái cảm xúc dễ chịu mà đặc trưng bởi cảm giác của sự mãn nguyện, niềm vui, hài lòng, thỏa mãn và sự khỏe mạnh. Buồn là trạng thái cảm xúc nhất thời, đặc trưng bởi cảm giác thất vọng, đau khổ, tuyệt vọng, mất hứng thú dẫn đến tâm trạng chán nản.

Giống như các loại cảm xúc khác, nỗi buồn là điều mà tất cả mọi người đôi lúc trải qua. Trong một số trường hợp, người ta có thể trải qua nỗi buồn trong thời gian kéo dài và nghiêm trọng mà có thể dẫn đến trầm cảm.

Sợ hãi là một cảm xúc mạnh mẽ có thể đóng vai trò quan trọng trong sự sống còn. Khi bạn đối mặt với một số nguy hiểm và cảm thấy sợ, bạn sẽ trải qua những gì được gọi là phản ứng đánh hay tránh, thúc đẩy cơ thể bạn chạy xa khỏi sự nguy hiểm hoặc đứng lên và chống lại. Phản ứng này giúp đảm bảo rằng bạn chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với các mối đe dọa trong môi trường sống của mình.

Có nhiều người, kể cả người trưởng thành khi xem tivi, nghe được những thông tin về một nhân vật xấu nào đó, bỗng tức giận, chửi bới như câu chuyện “trong nhà” của họ, rồi bỗng nổi nóng với người thân. Trường hợp này không hiếm gặp, lúc này họ đã phụ thuộc vào cảm xúc của mình, không chọn lọc được thông tin và lọc lại những điều tốt thay vì sự tồi tệ và cứ sống mãi theo sự bộc phát đó.

TS Lê Thị Thanh Thủy cũng cho biết thêm, cảm xúc luôn cần được tiết chế ở mọi dạng. Vui quá cũng ảnh hưởng không tốt, mà buồn quá cũng vậy, kể cả sợ hãi.Vì thế, con người cần biết điều chỉnh những cảm xúc của mình, tránh việc biểu hiện ra thành hành vi ứng xử đối với người xung quanh, cảm xúc luôn luôn là vừa đủ.

Tránh xa những tác động ảnh hưởng đến cảm xúc

Trên thực tế, không phải ai cũng có thể điều chỉnh được cảm xúc của mình. Đặc biệt là những người mới trưởng thành, chưa có nhiều va chạm cuộc sống cũng như kinh nghiệm ứng xử. Đôi khi, những đối tượng này hay bị ảnh hưởng từ phim ảnh, mạng xã hội... rồi “bắt chước” cảm xúc giống nhân vật.

Cô Ngô Thùy Trang, giáo viên hệ thống THPT quốc tế tại Hà Nội chia sẻ: “Có học sinh THPT, đến lớp lúc nào cũng mơ màng, mắt chớp chớp rồi bắt chước điệu cười, nói giống với các diễn viên Hàn Quốc.

Đôi lúc, hành vi này bộc lộ thường xuyên khi tiếp xúc với người xung quanh khiến mọi người khó chịu bởi nó không phù hợp. Ngược lại, có bạn nữ lúc nào cũng cố gắng hùng hổ, tạo cho mình phong cách tomboy để giống với thần tượng... Các em đã chịu ảnh hưởng quá nhiều từ phim ảnh, không kiềm chế được cảm xúc, không thoát ra được các nhân vật trong phim, để ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, việc học tập cũng như giao tiếp”.

Thế nhưng, đó chưa hẳn là cảm xúc không thay đổi được. Có những trường hợp, vì xem các hình ảnh bạo lực dẫn đến thích được như vậy, học theo rồi làm theo như một trải nghiệm. Rồi lúc nóng giận, những đối tượng này không kịp kiềm chế, bình tĩnh mà lập tức thể hiện hành động giống như những gì được chứng kiến.

Nếu diễn biến này kéo dài sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy như gây gổ, đánh nhau, thậm chí là án mạng như những câu chuyện mà nhà báo Lê Phương Dung chia sẻ trước đó.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để sống tích cực hơn? Điều này nghĩ là khó nhưng hoàn toàn do chính bạn điều khiển, vì vậy, chỉ có bạn mới có thể giúp bản thân mình.

Đầu tiên chính bạn hãy bắt đầu từ việc thay đổi một số quan niệm cũ của bản thân, thường xuyên suy nghĩ đến những điều tích cực và học cách sống lạc quan hơn. Đồng thời nếu đã biết được những thông tin nào dễ khiến mình bị chi phối cảm xúc khi xem thì nên tránh, hạn chế tối đa việc thu nạp thông tin đó vào não.

Việc tập thể dục, ăn uống khoa học, tìm đến các mối quan hệ lành mạnh cũng là cách để con người tránh xa, không bị phụ thuộc vào cảm xúc xấu.

Ngoài ra, nên tránh những điều có thể gây ra cảm xúc tiêu cực cho bản thân từ việc nghe kể chuyện, xem hình ảnh hay bắt gặp trong cuộc sống. Những lúc đó, cần bình tĩnh để điều chỉnh hành vi, thả lỏng cơ thể và nhanh chóng lấy lại trạng thái ban đầu. Có như vậy, cơ hội cho những tiêu cực sẽ không còn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.