Đàn cá mập hổ bao vây xé xác cá voi

GD&TĐ - Khoảng 5 con cá mập hổ chia nhau thưởng thức bữa đại tiệc từ xác cá voi ở vùng biển Florida, Mỹ.

Đàn cá mập hổ bao vây xé xác cá voi

Neil Hammerschlag, nhà sinh vật học kiêm chuyên gia về cá mập ở Đại học Miami, Mỹ, nhận được tin tức về xác cá voi trôi nổi theo dòng hải lưu Gulf Stream ở ngoài khơi đảo Key Largo, Florida.

Biết chắc cái xác sẽ thu hút nhiều động vật ăn thịt trên biển, Hammerschlag lập tức thông báo cho cộng sự Alex Anstett và Stephen Cain, đồng thời tìm công ty lặn đưa họ tới nơi.

Nhóm của Hammerschlag mất vài tiếng để tìm kiếm xác cá voi trôi nổi do bão cận nhiệt đới Alberto. Khi tới chỗ cái xác, họ trông thấy những chiếc vây cá mập nhô lên trên mặt nước xung quanh khối thịt và mỡ cá voi. Ít nhất 5 con cá mập hổ đang xé xác cá voi.

"Chúng tôi có thể trông thấy lũ cá mập bơi tới, ngoạm một miếng to và lắc lư cái đầu của chúng để xé thịt", Hammerschlag chia sẻ.

Lặn bên cạnh loài săn mồi hàng đầu ở đại dương không phải việc dễ dàng, nhưng Hammerschlag tin chắc kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân sẽ giúp anh an toàn. Một thợ lặn khác theo dõi sát sao bất kỳ con cá mập nào tới gần và họ ở gần tàu đủ để có thể quay trở lại nếu phát hiện nguy hiểm.

"Chúng sẽ đến gần và chuyển hướng, cho tôi thấy rõ chiều dài cơ thể chúng, sau đó lại có con khác tới. Có thể chúng đang cố xua đuổi hoặc đe dọa tôi. Chúng không phải loài thích chiếm giữ lãnh thổ. Nhưng bạn có thể cảm nhận chúng đang canh giữ cái xác. Có lẽ chúng xem tôi như đối thủ tranh mồi", Hammerschlag cho biết.

Rất hiếm gặp cá mập ăn mồi và nhóm nghiên cứu hy vọng có thể hiểu rõ hơn hành vi của chúng khi quan sát cảnh tượng. Điều khiến họ bất ngờ là chỉ có một loài cá mập xuất hiện và chúng dường như luân phiên đến gần cái xác. "Một con sẽ tới rồi rời đi và sau đó đến phiên con tiếp theo", Hammerschlag nói.

Cá voi chết đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển và khi xác một con cá voi chìm xuống đáy biển, nó có thể cung cấp nguồn thức ăn cho một lượng lớn động vật. Cá mập luôn nằm trong số những loại đầu tiên tới ăn mô mềm trước khi cái xác chìm xuống và bị các sinh vật sống dưới đáy biển tiêu hóa.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ