Thiếu tướng, GS.TS Ngô Sỹ Hiền khi đang là Phó Giám đốc Học viện CSND, được Lãnh đạo Bộ Công an tín nhiệm giao trọng trách Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an. Ông đã từ bầu trời trí tuệ, trở về với mặt đất của thực tiễn chiến đấu phòng, chống tội phạm nóng bỏng...
Kỳ 1: Tri ân những Tiến sĩ mở dòng khoa bảng họ Ngô xứ Nghệ
Tôi nhớ ngày 19/8/2017, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức lễ 1.390 năm Diễn Châu có tên trong lịch sử nước Việt (627- 2017), có mời một số anh em đồng hương công tác ở xa về dự. Trong câu chuyện trong và ngoài Hội thảo khoa học về quê hương mình, mấy anh em trong ngành Công an chúng tôi thường nhắc nhiều đến đền thờ An Dương Vương (ở núi Mộ Dạ, Diễn Châu) với câu chuyện đẫm nước mắt tình yêu Trọng Thủy - Mỵ Châu và bài học mất nước do mất cảnh giác trước âm mưu của ngoại bang. Nhiều người cũng nhắc tới những dòng họ nổi tiếng của Diễn Châu trong lịch sử như họ Cao (Cao Xuân Dục...) họ Ngô (Ngô Trí Tri...), họ Đặng (Đặng Văn Hướng) cùng nhiều danh nhân lưu danh trong lịch sử dân tộc...
Thiếu tướng-GS-TS Ngô Sỹ Hiền. |
Về quê tham dự sự kiện này, Thiếu tướng-GS-TS Ngô Sỹ Hiền, Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an đã đưa tôi về tham quan, dâng hương tại Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia - Đền thờ 2 cha con Tiến sĩ Ngô Trí Hòa - Ngô Sỹ Vinh. Có lẽ ít người được biết câu chuyện rất hi hữu trong lịch sử khoa cử Việt Nam, đó là chuyện Tiến sĩ Ngô Trí Tri, Tiến sĩ Ngô Trí Hòa, Tiến sĩ Ngô Sỹ Vinh là ba cha con, ông cháu cùng đỗ Tiến sĩ. Bắt đầu từ ông nội Ngô Trí Tri thời Lê Trung hưng thì câu chuyện nổi tiếng với kỳ tích “Tam đại Tiến sĩ” mới bắt đầu. Thì ra Thiếu tướng-GS-TS Ngô Sỹ Hiền là hậu duệ 500 năm sau của dòng họ Ngô nổi tiếng này.
Thiếu tướng-GS-TS Ngô Sỹ Hiền kể rằng, khi được phong học vị Tiến sĩ năm 2004, học hàm PGS năm 2007, Học hàm Giáo sư năm 2014, và khi được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng CAND năm 2013, anh đều về quê làm lễ dâng hương tại Đền thờ Họ Ngô Lý Trai để báo công và tri ân tổ tiên đã phù hộ, độ trì, giúp anh có quyết tâm phấn đấu trưởng thành. Đó là tấm lòng biết ơn công đức, truyền thống bấm chí hiếu học, khoa bảng rạng danh của dòng họ mà anh cũng là người góp phần tiếp nối xây đắp.
Thiếu tướng, GS. TS Ngô Sỹ Hiền. |
Theo các trang phả và nhiều tài liệu chính sử, Tiến sĩ Thái bảo Ngô Trí Tri, sinh năm Đinh Dậu (1537), con trai trưởng bậc danh sư – Hương cống, Đạo Nguyên bá Ngô Trí Trạch, dòng họ Ngô Lý Trai - Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An. Ngô Trí Tri sinh tại tổng Lý Trai, được cha dạy bảo từ thuở ấu thơ, vốn thông minh mẫn tiệp, thuộc lòng kinh sách, sớm nổi tiếng khắp vùng. Năm 21 tuổi, Khoa Mậu Ngọ (1558) thi đỗ Tứ trường (Hương cống), Ngô Trí Tri được triều đình cử làm quan Võ. Đến năm 38 tuổi, đời Lê Thế Tông hiệu Gia Thái thứ 2 (1574), ông là người Văn-Võ song toàn, được chuyển từ quan Võ sang quan Văn, giữ nhiều chức vụ và được cử làm quan ở nhiều vùng miền.
GS.TS Ngô Sỹ Hiền còn kể với tôi về phu nhân cụ Tổ là bà Cao Thị Ân, một người con gái dòng họ Cao nổi tiếng, giỏi giang từ xưa, thuộc xã Đào Hoa, phủ Diễn Châu. Cụ Ân có công lớn trong việc đắp đê quai ngăn mặn cánh đồng Phủ dọc sông Bằng Giang (sông Bùng ngày nay) từ xã Diễn Kỷ qua xã Diễn Hoa, lên Diễn Hạnh (Diễn Châu, Nghệ An). Đáng khâm phục bởi đây là một công trình cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa kinh tế sống còn đối với nhân dân địa phương từ xưa cho đến ngày nay, là do một người phụ nữ chủ trì xây dựng.
Thiếu tướng, GS.TS Ngô Sỹ Hiền kiểm tra công tác giám định gen tại Viện KHHS. |
Khoa thi Nhâm Thìn (1592), cụ Ngô Trí Tri đã đỗ Tiến sĩ, kì diệu là cụ đỗ đồng bảng với con trai là Ngô Trí Hòa. Lúc đó cụ Tri đã 56 tuổi, tuổi đỗ đại khoa cao nhất nước. Khoa thi năm đó chỉ lấy đỗ ba người mà họ Ngô Lý Trai có hai cha con cùng đỗ đồng khoa, đỗ ở bậc cao nhất là Tiến sĩ, quả là điều hiếm có. Vua Lê Thế Tông hiệu Quang Hưng thứ 15, cho là chuyện xưa nay hiếm, đã ban tặng 10 chữ vàng cho cha con vinh quy “Khoa danh thiên hạ hữu/ Phụ tử thế gian vô” (Thiên hạ đậu đại khoa có nhiều, nhưng cha con cùng đậu một khoa thì chưa thấy bao giờ).
Hẳn muôn đời sẽ còn lưu truyền những đánh giá cao nhất về tài đức hai bậc danh nhân họ Ngô Lý Trai được ghi rõ trên một trong 82 bia đá Văn Miếu Quốc Tử giám để vinh danh các Tiến sĩ Khoa Nhâm Thìn, năm Quang Hưng 15 này: “Ai nấy đều lấy làm sung sướng được trông thấy cảnh thái bình, dưới thời vua Thánh có hai cha con cùng đỗ một khoa. Thật là thịnh hội văn minh vậy…” và: “Những người đỗ khoa này đều là bậc tài cao học rộng. Có người bày mưu hay ở nơi lầu rồng cửa cấm, có người sưu tầm văn chương hay ở trong kho đá tủ vàng, có người giúp vầng nhật nguyệt trở lại huy hoàng, có người làm trận mưa rào sau khi bổ nhiệm, có người hiến mưu trung để tham gia kế lớn, có người phò vận sang để đi tới trung hưng. Nhà nước sở dĩ tiêu trừ được ngụy mạc, khôi phục kinh thành sáu cõi, chung hưởng trời xuân, thiên hạ thu về một mối cũng là nhờ công phò tá của những người đỗ khoa này vậy…”.
Cụ Ngô Trí Tri đã để lại di sản công đức lớn lao, không những cụ là NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG CÔNG DANH KHOA BẢNG cho dòng họ có 5 đời Tiến sĩ, trong đó cụ cùng con trai Ngô Trí Hòa và cháu nội Ngô Sĩ Vinh (thi đậu Tiến sĩ năm 1646) tạo thành huyền thoại “Tam đại Tiến sĩ”, tiếp đến các đời sau có hai anh em ruột cùng đỗ Tiến sĩ là Ngô Công Trạc (1694) và Ngô Hưng Giáo (1710). Cụ Ngô Trí Tri cũng chính là NGƯỜI KHỞI PHÁT MỘT TRUYỀN THỐNG văn hóa, bản lĩnh hiếu học mạnh mẽ cho cả quê hương miền trung địa linh nhân kiệt.
Thiếu tướng, GS.TS Ngô Sỹ Hiền với các học viên KHHS Campuchia. |
Với cốt cách thanh cao, sống liêm khiết hết lòng vì dân vì nước, cụ Ngô Trí Tri được nhân dân khắp nơi hết lời ca ngợi. Riêng nhân dân vùng quê hương Đông Thành hồi đó (nay là các vùng thuộc huyện Diễn Châu và huyện Yên Thành, Nghệ An) đã coi cụ Ngô Trí Tri như một vị thánh hiền tài, đức độ, luôn cứu nhân độ thế, đem lại cuộc sống yên ổn no ấm, thanh bình cho nhân dân. Vì vậy, nhiều di tích, đền thờ tưởng nhớ cụ được xây dựng ở nhiều nơi trên đất Đông Thành ngày ấy.
Cụ Ngô Trí Tri mất ngày 13 tháng 5 năm Mậu Ngọ (1628), hưởng thọ 91 tuổi. Lăng mộ cụ Ngô Trí Tri được con cháu tôn tạo lại khang trang vào năm Tân Mùi (1991), ngụ tại Chùa Nhãn, thuộc làng Đông Phái, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, một ngôi làng có truyền thống văn hóa lịch sử nổi tiếng được nhiều thế hệ con cháu 12 dòng họ xây dựng nên. Cụ Ngô Trí Ý và con trai là cụ Ngô Trí Văn - đời thứ 5 và thứ 6 của cụ Tổ Ngô Trí Tri - đã từng là những quân sư đầu tiên góp phần tạo nên cốt cách truyền thống đó của làng.
Con trai cụ Ngô Trí Tri là Ngô Trí Hòa (1564 - 1625) là danh thần nhà Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi của ông không chỉ được ghi trong sử sách mà còn được biết đến qua các văn học dân gian Việt Nam.
Năm 1592 đời Lê Thế Tông, sau khi đỗ Tiến sỹ, Ngô Trí Hòa được trao chức Án sát sứ Sơn Tây, sau đó được chúa Trịnh Tùng để ý, ông được triệu về triều làm Đô cấp sự Lại Khoa. Khi Ngô Trí Hòa được thăng làm Hữu thị lang bộ Hình, ông ra nhận chức ở Thanh Hóa. Năm 1604, ông được triệu về làm Hữu thị lang bộ Lại, tước Phú Lộc bá. Năm 1606 ông được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc cống nhà Minh. Thành công sau chuyến đi sứ về, mùa đông năm 1608 ông được thăng làm Thượng thư bộ Hộ, kiêm Tế tửu Quốc tử giám. Ông làm giám thị trong ba kỳ thi 1612, 1613, 1616. Năm 1610 Ngô Trí Hòa được thăng làm Phú Xuân hầu.
Cháu nội Tiến sĩ Ngô Trí Tri, con Hoàng giáp Ngô Trí Hòa là Ngô Sỹ Vinh (1596 - 1673) được phong Văn thần đời Lê Chân Tông. Năm Bính Tuất 1646 Ngô Sỹ Vinh đỗ Tam giáp Tiến sĩ. Vậy là từ đây họ Ngô Lý Trai trở thành dòng họ có Tam đại Tiến sĩ. Nhân dân có câu ca rằng: “Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa/Cha đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà”.
Thiếu tướng, GS.TS Ngô Sỹ Hiền - Viện trưởng Viện KHHS gặp mặt các thế hệ cán bộ lãnh đạo Viện nhân Kỷ niệm 60 năm Viện KHHS - Bộ Công an. |
Là một trung thần văn võ song toàn, Tiến sĩ Ngô Sỹ Vinh đã làm đến Quang lộc tự khanh, tước Bá, được tặng phong: Đôn hậu tán trị công thần, Tả Thị Lang, Tước Lý Hải Hầu.
Năm Phúc Thái thứ năm (1647) Ngô Sỹ Vinh được cử làm Chánh sứ tuế cống nhà Thanh. Ông đã có công gửi mật thư bày mưu giải thoát cho Vua nhà Thanh khi bị lực lượng “phục Minh phản Thanh” bao vây. Vua nhà Thanh cảm phục, sai sứ giả mang ba bức gấm và bức thư là một bài thơ sang cảm tạ “Thiên triều tuế công Lưỡng Quốc Tri Danh”. Ông trở thành “Lưỡng quốc Công thần” và họ Ngô Lý Trai trở thành họ Ngô Công thần từ đây.
Ngày 20/3 năm Kỷ Hợi (1659) niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2, Lưỡng quốc Công thần Ngô Sỹ Vinh qua đời khi đang đương chức, được truy phong tước Lý Hải hầu. Triều đình đã ban đất ở quê hương Lý Trai làm đền thờ để khói hương thờ cúng cụ. Quần thể hai đền thờ cổ của hai cha con cụ tọa lạc khang trang trên diện tích hơn một ha ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu. Điều kỳ diệu là trải qua các cuộc chiến tranh, bom đạn tàn khốc rải khắp vùng cầu Bùng - ga Chợ Si, hai đền thờ này, cùng với bốn cây thị khoảng 500 tuổi và mồ mả các cụ không hề hấn gì. Phải chăng, đây hẳn là phúc đức của Tổ Tiên dành cho con cháu đời sau vậy.
Nhà thờ Ngô Trí Hòa - Ngô Sỹ Vinh được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia vào ngày 23/6/1992.
(Còn nữa)