Đam mê chung tạo nên thành tích xuất sắc cuộc thi robot quốc tế

GD&TĐ - Năm 2023, đội tuyển Việt Nam gồm 9 HS đến từ 6 trường THPT ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng đã xuất sắc giành ngôi vô địch First Global Challenge...

Các thành viên đội tuyển Việt Nam giành ngôi vô địch cuộc thi robot lớn nhất thế giới dành cho học sinh phổ thông. Ảnh: BTC FGC 2023
Các thành viên đội tuyển Việt Nam giành ngôi vô địch cuộc thi robot lớn nhất thế giới dành cho học sinh phổ thông. Ảnh: BTC FGC 2023

First Global Challenge (FGC) là cuộc thi robot lớn nhất thế giới của học sinh phổ thông. Đây được coi là thành tựu STEM lớn nhất từ trước đến nay.

Lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam

FGC được coi như kỳ thi Olympic quốc tế lĩnh vực robotics. Để tham dự giải đấu này, mỗi quốc gia cử 1 đội xây dựng và lập trình robot thi đấu. Các đội làm việc cùng nhau để hoàn thành nhiệm vụ trong trò chơi có chủ đề xoay quanh thách thức lớn nhất mà hành tinh đang đối mặt.

Năm 2023, cuộc thi diễn ra từ ngày 7 - 10/10 tại Singapore với sự tham dự của 191 quốc gia và vùng lãnh thổ. FGC 2023 tập trung vào vai trò của hydro trong tương lai năng lượng tái tạo và giảm khí carbon của hành tinh. Công nghệ dựa trên hydro cho phép phát triển phương pháp cải tiến để vận chuyển và lưu trữ năng lượng tạo ra từ nguồn năng lượng tái tạo.

Đội tuyển Việt Nam gồm 9 học sinh tuyển chọn từ cuộc thi Vietnam Robotics Challenge thuộc 6 trường: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Sơn Tây, THPT Phùng Khắc Khoan, THPT Ứng Hòa B (TP Hà Nội), THPT Dương Quảng Hàm (tỉnh Hưng Yên), THPT Thái Phiên (TP Hải Phòng). Ông Lê Ngọc Tuấn, chuyên gia công nghệ IoT và robotics làm trưởng đoàn.

Sau khi trải qua các vòng bảng và loại trực tiếp, đội tuyển Việt Nam xuất sắc giành Huy chương Vàng ở nội dung Liên minh chiến thắng toàn cầu, vô địch giải đấu. Ngoài thành tích trên, đội còn được vinh danh bằng giải thưởng Social Media Award vì những nỗ lực truyền thông trong việc lan tỏa kiến thức về robotics và STEAM.

Bật mí về sản phẩm robot của đội tuyển Việt Nam, Nguyễn Thanh Phong - học sinh Trường THPT Dương Quảng Hàm (tỉnh Hưng Yên) nói: Robot chế tạo tại FGC 2023 có kích thước mỗi chiều khoảng 25cm, nặng xấp xỉ 20 kg, xây dựng trên hệ di chuyển với 4 động cơ truyền chuyển động độc lập. Số lượng cân nặng mang lại lợi thế về trọng tâm và cân bằng.

Phần bắn bóng shooter lấy ý tưởng từ hệ thống treo/giảm xóc của xe ô tô giúp thay đổi độ cao khi gặp vật cản với nhiều loại kích thước, hình thù. Bên cạnh đó, phần shooter thiết kế giống như băng đạn để tăng thể tích chứa nhiều bóng (từ 7 - 10 quả) và tăng tính thẩm mỹ.

Chị Nguyễn Khánh Linh - thành viên ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam dự thi FGC 2023 đánh giá cao nỗ lực của đội tuyển tại kỳ thi và chia sẻ: Nhiệm vụ quan trọng nhất mà đội tuyển đặt ra không phải là xây dựng robot tham gia cuộc thi hay giải thưởng mà mục tiêu chú trọng là đại diện quốc gia chia sẻ hình ảnh và văn hóa đất nước, con người Việt Nam.

Các thành viên luôn ý thức đây là cơ hội để giao lưu, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ những đội thi khác, để lan tỏa tinh thần yêu khoa học và sáng chế.

Đội tuyển Việt Nam giao lưu cùng bạn bè quốc tế tại cuộc thi. Ảnh: BTC FGC 2023

Đội tuyển Việt Nam giao lưu cùng bạn bè quốc tế tại cuộc thi. Ảnh: BTC FGC 2023

Tự hào Việt Nam

Chia sẻ hành trình đến với ngôi vô địch, Đặng Nhật Triều - học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (TP Hà Nội) cho biết: Trải qua vòng loại, 9 học sinh phù hợp nhất tới từ 6 trường THPT thuộc nhiều tỉnh, thành phố được lựa chọn góp mặt trong đội tuyển Việt Nam dự thi tại đấu trường robotics quốc tế First Global Challenge 2023.

Hơn 1 tháng cùng làm việc, sinh hoạt, thành viên đội tuyển trở nên gần gũi như một gia đình. Từng cá tính riêng biệt đều hòa vào niềm đam mê chung. Qua cuộc thi, chúng em mong lan tỏa đam mê, truyền cảm hứng đến học sinh cả nước; thêm nhiều sân chơi để các bạn có cơ hội trải nghiệm, tiếp tục phát triển cộng đồng STEAM, robotics tại Việt Nam.

Lưu Hồng Quang - học sinh Trường THPT Sơn Tây (TP Hà Nội) bày tỏ: Thành tích của đội đạt được đáng tự hào vì đây là sân chơi lớn, có nhiều đội xuất sắc trên thế giới tham dự. Lúc đầu, em tham gia đội tuyển Việt Nam để thử sức bản thân và làm quen môi trường mới. Nhưng khi may mắn vượt qua vòng tuyển chọn thành viên, em bất ngờ khi trở thành thành viên của đội tuyển.

Tuy thời gian đầu chưa quen một số công việc không phải thế mạnh nhưng có sự giúp đỡ của đội và các anh chị cố vấn, em dần bắt nhịp làm việc cũng như học hỏi nhiều điều từ đội tuyển. Qua đó, bản thân tiến bộ từng ngày. Cuộc thi trở thành kỷ niệm không thể quên trên chặng đường học tập của em.

Phạm Xuân Đạt - học sinh Trường THPT Thái Phiên (TP Hải Phòng), thành viên lập trình của đội tuyển chia sẻ: Dù đội có 9 thành viên nhưng chỉ 5 người được sang Singapore thi đấu vì không đủ chi phí nhưng tất cả đều nỗ lực đạt mục tiêu chung. Chúng em buồn khi không đủ 9 thành viên cùng đi thi nên quyết định mang áo có tên các bạn theo để toàn đội luôn mang tinh thần, nhiệt huyết chung.

Cô Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam bày tỏ niềm tự hào khi trường đóng góp 2 thành viên trong đội tuyển FGC 2023 thi đấu tại Singapore là Đặng Nhật Triều và Vũ Quang Hiển. Các em là học sinh lớp 12 Lý 1, đồng Trưởng ban cơ khí thiết kế của Câu lạc bộ Robotics GART6520 của trường. Đây là câu lạc bộ khám phá khoa học hoạt động rất hiệu quả trong nhiều năm trở lại đây.

Với tầm nhìn chiến lược nhằm phát triển giáo dục STEM, nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh được trải nghiệm trong câu lạc bộ STEM, robotics. Trong cuộc thi FGC 2022, hai học sinh của trường được tuyển chọn vào đội thi và đoạt Huy chương Đồng. Ngoài ra, học sinh của trường còn đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi robot quốc tế như FRC, WRO.

Ông Đỗ Hoàng Sơn - thành viên Liên minh STEM Việt Nam nhận định: Thành tích đội tuyển Việt Nam đạt được tại kỳ thi First Global Challenge được coi là thành tựu STEM lớn nhất từ trước đến nay. Kết quả này góp phần nâng cao vị thế giáo dục STEM, lĩnh vực robotics cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.