Đảm bảo tất cả người dân được chẩn đoán, điều trị sốt rét

GD&TĐ - Ngày Thế giới phòng, chống sốt rét (25/4) năm 2021 có chủ đề “Đầu tư nguồn lực nhằm đạt mục tiêu loại trừ sốt rét".

Triệu chứng bệnh sốt rét. Ảnh: SKĐS.
Triệu chứng bệnh sốt rét. Ảnh: SKĐS.

Ngày thế giới phòng chống sốt rét (25/4) được các nước thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sáng lập thông qua Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) vào năm 2007. 

Từ đó, các nước tăng cường hợp tác, đầu tư cho công tác phòng chống sốt rét, tiến đến ngăn chặn và loại trừ bệnh sốt rét, không để bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống người dân.

Mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 ở Việt Nam là đảm bảo tất cả người dân đều được tiếp cận với chẩn đoán sớm bệnh sốt rét, điều trị kịp thời và hiệu quả tại các cơ sở y tế.

Những người có nguy cơ mắc bệnh sốt rét được trang bị kiến thức và các biện pháp bảo vệ phù hợp. Người nhiễm ký sinh trùng sốt rét được giám sát và điều trị khỏi bệnh, tránh lây lan cho cộng đồng.

Để duy trì kết quả đạt được và thực hiện giai đoạn phòng ngừa sốt rét quay trở lại sau khi loại trừ, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã có công văn hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện phòng ngừa sốt rét quay trở lại.

Chiến dịch toàn cầu chống sốt rét 2016 - 2030 hướng tới mục tiêu giảm đáng kể gánh nặng của thế giới về căn bệnh sốt rét, giảm ít nhất 90% tỷ lệ các trường hợp mắc sốt rét mới; giảm tỷ lệ tử vong xuống ít nhất 90%.

Các biện pháp phòng bệnh sốt rét là ngủ màn; loại trừ các ổ loăng quăng; sử dụng các biện pháp diệt muỗi, phát quang bụi rậm quanh nhà để loại bỏ nơi trú ẩn của muỗi... Nguồn: TTXVN.
Các biện pháp phòng bệnh sốt rét là ngủ màn; loại trừ các ổ loăng quăng; sử dụng các biện pháp diệt muỗi, phát quang bụi rậm quanh nhà để loại bỏ nơi trú ẩn của muỗi... Nguồn: TTXVN.

Bệnh sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất và là vấn đề rất nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

Bệnh gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium, lây truyền từ người này sang người khác khi những người này bị muỗi đốt. Khi điều trị đúng cách, người bị sốt rét thường có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh sốt rét nặng có thể tiến triển cực kỳ nhanh chóng và gây tử vong chỉ trong vòng vài giờ hoặc vài ngày.

Theo bác sĩ Phước Nhường cho biết trên báo chí, sau khi đốt, muỗi cái Anopheles tiêm ký sinh trùng vào máu của cơ thể vật chủ. Các ký sinh trùng di chuyển đến gan và bắt đầu nằm im ủ bệnh trong 1 - 2 tuần, sau đó phóng thích ra tấn công vào các tế bào máu.

Lúc này, các triệu chứng sốt rét bắt đầu xuất hiện rõ nét: Sốt cao, khi bị sốt rét, nhiệt độ cơ thể người bệnh trên 38,90C. Đây là triệu chứng xuất hiện đầu tiên ở người bệnh, thường là khoảng từ 10 - 15 ngày sau khi muỗi đốt.

Cơn sốt sẽ đến rồi đi một cách ngẫu nhiên và liên tục lặp đi lặp lại. Sốt cùng với các triệu chứng ban đầu của bệnh rất nhẹ và hay bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác như cảm lạnh hay cảm cúm.

Những đợt sốt lần sau có cơn rét run, run rẩy dữ dội cộng với đổ mồ hôi liên tục. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, cơn run rẩy có thể nặng tới mức gần như co giật. Cơn ớn lạnh, rét run do sốt rét gây ra không thể khắc phục bằng cách đắp mền hay mặc quần áo ấm hơn.

Người bệnh có biểu hiện đau đầu và đau cơ. Những triệu chứng thứ phát chỉ xảy ra sau khi các triệu chứng cơ bản xuất hiện, vì ký sinh trùng cần thêm thời gian để sinh sôi nảy nở trong gan và lây lan khắp cơ thể.

Thời gian đầu, cơn đau đầu của bệnh sốt rét khá nhẹ, giống như đau đầu do căng thẳng. Nhưng khi ký sinh trùng đã bắt đầu lây nhiễm và phá hủy các tế bào hồng cầu, cơn đau sẽ dữ dội hơn, giống như chứng đau nửa đầu kèm nôn mửa và tiêu chảy.

Không giống như các loại tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm hay nhiễm tả, tiêu chảy do sốt rét không quá nghiêm trọng và cũng không đi cầu ra máu. Sau khi các triệu chứng cơ bản và thứ phát xuất hiện, nếu người bệnh vẫn không điều trị thì sẽ dẫn đến các triệu chứng nặng hơn.

Một khi chúng đã xuất hiện thì nguy cơ biến chứng và tử vong tăng đáng kể: Co giật nhiều lần, hôn mê và suy nhược thần kinh; thiếu máu nặng, chảy máu bất thường, khó thở và suy hô hấp; vàng da; suy thận, suy gan; huyết áp rất thấp; lá lách to.

Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sốt rét mang tính quyết định trong phòng ngừa dịch bệnh, phòng ngừa tử vong và phòng chống lây lan cho cộng đồng.

Cùng với các biện pháp đề phòng muỗi đốt như dùng mùng tẩm hóa chất tồn lưu lâu, việc điều trị hiệu quả cũng góp phần giảm lây truyền bệnh sốt rét. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.