Đây được xem là một thách thức lớn trong nỗ lực đổi mới chính sách tiền lương hiện nay.
Bất cập trong tăng lương tối thiểu
Theo Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, chính sách tiền lương của Việt Nam sau nhiều lần cải cách đã từng bước đổi mới theo thị trường, tách dần tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh với khu vực hành chính Nhà nước và khu vực sự nghiệp cung cấp dịch vụ công. Đồng thời mở rộng và làm rõ trách nhiệm, quyền tự chủ của doanh nghiệp (DN) trong việc xếp lương, trả lương gắn với năng suất lao động. Nhờ vậy mà tiền lương và thu nhập của người làm công ăn lương có xu hướng tăng từ 10 - 20%/năm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chính sách tiền lương của Nhà nước ở các khu vực còn chậm đổi mới, không theo kịp cơ chế thị trường, thiếu công bằng và chưa tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Hiện nay ở nước ta chỉ có một luật DN chung nhưng lại có tới 3 cơ chế phân phối tiền lương khác nhau giữa các loại hình DN là công ty TNHH một thành viên Nhà nước, DN FDI và DN tư nhân.
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc điều chỉnh lương tối thiểu có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt việc giảm, trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể sẽ tăng cao. Ảnh hưởng trước hết là đến tổng cầu việc làm, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp dệt may, da giày.
Theo tính toán của VCCI, nếu chi phí lao động tăng lên 1% thì cầu lao động giảm đi 0,175%. Việc điều chỉnh cũng ảnh hưởng đến bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Nếu tuân thủ các quy định của Việt Nam, tỷ lệ người chủ sử dụng lao động phải đóng cho các khoản an sinh xã hội rất cao, gần 31% và căn cứ đóng là mức tiền lương thực lĩnh. Do vậy, các doanh nghiệp sẽ trốn đóng bảo hiểm xã hội và các khoản chi khác để bù vào các khoản chi phí phát sinh có liên quan đến lao động.
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho rằng, nếu tăng tiền lương tối thiểu thực tế lên 3% thì sẽ có khoảng 10.000 lao động bị giảm đóng/trốn đóng bảo hiểm xã hội trong ngắn hạn và khoảng 30.000 lao động khác bị giảm đóng trong dài hạn. Các lao động này sẽ phải chuyển sang lao động phi chính thức, không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc nếu không sẽ mất việc làm.
Nghịch lý tiền lương công chức
Hệ thống tiền lương hiện nay, trên thực tế đang tồn tại nghịch lý tiền lương “chết đói” nhưng số đông công chức đều sống đàng hoàng. Tiền lương rất thấp nhưng để vào được biên chế lại cực kỳ khó khăn, tiền lương không đủ sống nhưng khi đến tuổi rất nhiều người vẫn không muốn về hưu. Nguyên do là thu nhập ngoài lương rất lớn, nhiều khoản thu nhập chưa đưa vào lương như xe cộ, nhà ở, điện thoại… và lợi thế không phải vật chất như cơ hội học tập, uy tín... Đây cũng là nguyên nhân của tiêu cực, tham nhũng.
Bàn về giải pháp, các chuyên gia cho rằng, cần sớm có bước đột phá trong vấn đề tiền lương. Cần đi vào những vấn đề gốc rễ từ cả hai phía: Phía những vấn đề của bản thân hệ thống tiền lương công chức Nhà nước và cả phía những vấn đề vượt tầm của hệ thống tiền lương công chức Nhà nước nhưng lại liên quan mật thiết, thậm chí là quyết định đến sự thành bại của công cuộc cải cách tiền lương. Từ lâu tinh giản biên chế đã được đặt ra như một yêu cầu cấp bách nhưng càng hô hào, càng thực hiện thì bộ máy càng phình to, cồng kềnh hơn. Do đó, cần phải thực hiện quyết liệt và hiệu quả việc tinh giản biên chế bộ máy Nhà nước.
Ở một góc độ khác các chuyên gia cho rằng, việc tăng tiền lương tối thiểu cũng có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế, tăng việc làm trong tương lai. Tăng tiền lương sẽ có tác dụng kích thích tăng chi tiêu của dân cư, do vậy sẽ kích thích tăng tổng cầu về hàng hóa, dịch vụ và tăng trưởng hàm lượng lao động chất lượng cao.