Đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường sau mưa lũ

GD&TĐ - Bên cạnh công tác khắc phục hậu quả sau bão các nhà trường cũng ưu tiên đảm bảo an toàn cho học sinh và triển khai tổ chức học tập đúng kế hoạch.

Đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường sau mưa lũ.
Đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường sau mưa lũ.

Từng bước khắc phục khó khăn

Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên bão số 3 và mưa lũ đã khiến 93 trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thiệt hại về cơ sở vật chất trong đó, cấp mầm non có 25 trường; cấp tiểu học 24 trường; cấp THCS 31 trường; cấp THPT 7 trường; các trường ngoài công lập 6 trường. Ngoài ra, các thiết bị, đồ dùng dạy, học cũng bị hư hỏng gồm: 80 bộ máy tính, 1 máy chiếu, 26 chiếc màn hình tivi, 2.295 quyển sách giáo khoa và 2.546 thiết bị dạy học khác.

Ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng liên quan chủ động kiểm tra tình hình thiệt hại, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ để khắc phục hậu quả. Đồng thời, tuyên truyền tiếp tục thực hiện các biện pháp gia cố, chằng chống tài sản, cơ sở vật chất khác… để ứng phó với mưa, lũ sau bão và đảm bảo an toàn.

Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm – Hiệu trưởng trường Mầm non Đồng Thịnh, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Năm học 2024 – 2025 trường có tổng số 224 học sinh, với 10 lớp, trong đó tỷ lệ học sinh DTTS chiếm 80%. Trận mưa lũ vừa qua đã khiến trường bị sạt lở điểm trường chính và 1 điểm lẻ (Điểm trường An Thịnh) cách trường chính 6km.

“Do địa hình đặc thù chia hai tầng, đằng sau trường là đồi, dẫn đến nguy cơ sạt lở lớn, mưa to lượng đất lớn đã tràn vào sân trường, bếp, ngay sau đó nhà trường báo cáo với chính quyền địa phương và các cấp, cán bộ, giáo viên huy động cán bộ vệ sinh, dọn dẹp để nhanh chóng đón học sinh quay trở lại trường. Nhà trường mong muốn chính quyền địa phương có phương án dài hơi xây bờ kè để phòng ngừa diễn biến bất thường của thời tiết và đảm bảo an toàn cho học sinh.” - cô Nguyễn Thị Hồng Thắm chia sẻ thêm.

Cô Long Thị Anh, Hiệu trưởng trường PT DTBT THCS Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Năm học 2024 – 2025 trường có tổng số 333 học sinh với 9 lớp, trong đó học sinh người DTTS chiếm 95% tổng số học sinh toàn trường, các em chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Nùng.

Các em đa phần đều là học sinh nhà cách trường xa từ 10 – 20km, do đó các em không chỉ học tập mà còn sinh hoạt, ăn ở tại trường. Do tình hình mưa lũ, sạt lở, địa hình chia cắt, được sự chỉ đạo của phòng GD&ĐT trường đã cho học sinh nghỉ 1 tuần.

Học sinh đã trở lại trường học tập và ổn định từ ngày 12/9, sau 2 tuần sĩ số các lớp đều duy trì, không có tình trạng học sinh nghỉ học. Để bù đắp kiến thức cho các em sau những ngày nghỉ học, nhà trường đã chỉ đạo dạy bù, để kịp tiến độ thực hiện khung thời gian và chương trình dạy học. Đây cũng là vấn đề khiến cho giáo viên vất vả hơn trong quá trình tổ chức dạy học sau bão lũ. Cô Long Thị Anh chia sẻ.

IMG_4607.JPG
Học sinh trường PT DTBT THCS Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên quay trở lại trường học tập sau thời gian nghỉ dài do mưa lũ.

Đảm bảo chương trình học

Còn tại trường Tiểu học Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng mưa bão đã làm sạt lở ta luy ở trước mặt sân trường và phía sau có vết nứt dài khoảng 50m và có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, trường đã xin ý kiến của UBND xã Ca Thành, phòng GD&ĐT huyện Nguyên Bình để di dời học sinh sang trường mầm non, quây bạt khu vực sân khấu của trường mầm non thành hai lớp học, lớp còn lại thì học ở khu vực bếp ăn ngoài hiên có mái tôn của trường mầm non.

Cô Hoàng Thị Hường, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ca Thành, huyện Nguyên Bình thông tin: Năm học 2024 – 2025 trường có 358 học sinh học tập tại 8 điểm trường, 100% học sinh của trường đều là dân tộc Mông và Dao, trong đó khoảng 90% học sinh thuộc diện hộ nghèo, khó khăn.

Đây chỉ là giải pháp tạm thời để cho các em học sinh có được chỗ ngồi học đảm bảo chương trình học của năm. Về lâu dài, cần có phương án để di chuyển trường ra khỏi khu vực bị sạt lở. Bởi trên thực tế, 5 lớp học của trường đã xuống cấp. Trường cũng không có phòng chức năng, không có bếp ăn nên dù các em nhà xa trường, ngày học 2 buổi thì trường cũng không thể nấu ăn bán trú cho các em. Phần lớn các em đều tự mang cơm nắm từ nhà mang theo để ăn bữa trưa.

Học sinh trường Tiểu học Thành Ca trong lớp học tạm.jpg
Học sinh trường Tiểu học Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng trong lớp học tạm.

Bà Vi Thị Hương, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng chia sẻ: “Ngay khi mưa lũ, sạt lở xảy ra, Phòng GD&ĐT cũng đã chủ động tham mưu UBND huyện tổ chức rà soát thống kê tình hình thiệt hại về người (giáo viên, học sinh), cơ sở vật chất các nhà trường kịp thời báo cáo UBND huyện có phương án hỗ trợ, động viên hỗ trợ kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ