Ngày 2/7, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức cuộc họp đánh giá công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo tại cuộc họp cho biết, năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 32.089 học sinh khối 9. Trong đó, tốt nghiệp THCS là 31.944 học sinh.
Tổng số học sinh đăng ký tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 là 28.236 em. Số học sinh có nhu cầu dự tuyển vào học hệ Giáo dục thường xuyên (cấp THPT) là 1.452 em.
Báo cáo cũng chỉ rõ, hiện nay mới có 7 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp có kế hoạch tuyển sinh với nhu cầu 3.075 em. Còn 5 đơn vị chưa báo cáo, chưa có chỉ tiêu.
“Như vậy, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Đắk Lắk còn 1.925 học sinh đã tốt nghiệp THCS chưa bố trí được trường, lớp theo nhu cầu học tập của học sinh”, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa thông tin.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành và địa phương đề xuất các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như: cho chủ trương tăng định mức số lượng học sinh/1 lớp đối với lớp 10 năm học 2024-2025.
Cụ thể, trung bình 44 học sinh/lớp cho tất cả các trường THPT công lập trên địa bàn toàn tỉnh.
Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch dự báo, đánh giá tình hình học sinh THCS tốt nghiệp hằng năm trên địa bàn. Chủ động bố trí kinh phí chi trả chế độ giảng dạy cho giáo viên. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo cho công tác tổ chức dạy học ở các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) phù hợp với từng năm học. Tiếp tục quan tâm hơn nữa tới học sinh tốt nghiệp THCS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’ Yim Kđoh thống nhất chủ trương xin tăng định mức số lượng học sinh/lớp (44 học sinh/lớp) đối với học sinh lớp 10 năm học 2024-2025 theo đề nghị của Sở GD&ĐT.
Đồng thời đề nghị Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và các địa phương rà soát chính xác số lượng nhu cầu tuyển sinh cũng như điều kiện cơ sở vật chất, số lượng giáo viên trong các trung tâm GDNN-GDTX, trung cấp, cao đẳng nhằm kịp thời bố trí lớp học cho học sinh, đảm bảo “không để học sinh nào phải dừng học vì thiếu trường, thiếu lớp”.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các trường THPT báo cáo cụ thể về công tác tuyển sinh, số học sinh nhập học và tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh đảm bảo đủ chỉ tiêu được giao.
Tiếp tục hướng dẫn phụ huynh và học sinh đăng ký nhập học vào các trung cấp, cao đẳng nghề, trung tâm GDNN-GDTX theo địa bàn, nguyện vọng.
Phối hợp triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền về phân luồng giáo dục. Dự báo, đánh giá nhu cầu học tập của học sinh sát với điều kiện thực tiễn của địa phương. Xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp với nhu cầu của học sinh trên địa bàn.
UBND các huyện, thị xã, chủ động quyết định chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 hệ GDTX tại các trung tâm GDNN-GDTX theo thẩm quyền. Ưu tiên bố trí kinh phí, đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho các trung tâm GDNN-GDTX đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và đảm bảo các điều kiện cần thiết để vào năm học mới.
Sở LĐTBXH có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn nhằm thu hút học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đăng ký học tập tại các trường trung cấp, cao đẳng.