ĐăK Hà (Kon Tum): Nhà hảo tâm giúp dưa hấu hết “phơi mình”

GD&TĐ - Hàng trăm tấn dưa hấu của nông dân huyện Đăk Hà (Kon Tum) đến ngày thu hoạch nhưng nằm “phơi mình” trên đồng vì không có người mua.

Ông Phan Văn Hùng lo lắng vì dưa hấu vào chính vụ nhưng không có thương lái đến mua.
Ông Phan Văn Hùng lo lắng vì dưa hấu vào chính vụ nhưng không có thương lái đến mua.

Để giúp nông dân, Tỉnh đoàn Kon Tum đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ.

Dưa phơi đầy đồng

Thời gian qua, nhiều người dân trồng dưa hấu tại huyện Đăk Hà chịu cảnh “dở khóc dở cười” khi dưa hấu đã đến kì thu hoạch nhưng không có thương lái đến hỏi mua. Theo UBND huyện Đăk Hà có những thời điểm lượng dưa hấu “phơi” trên đồng lên đến 830 tấn.

Anh Hồ Oanh (xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Hà) cho biết, năm nay gia đình anh đầu tư trồng 6 ha dưa hấu và cho sản lượng khoảng 250 tấn. Gia đình anh những tưởng đến kì thu hoạch sẽ mang lại nguồn thu nhập lớn. Tuy nhiên, mấy ngày qua, dưa bắt đầu vào chính vụ nhưng không có thương lái nào đến thu mua.

“Hầu như vốn đầu tư vào ruộng dưa gia đình đều vay mượn của ngân hàng. Đến nay, khi dưa vào chính vụ thu hoạch nhưng không có người mua khiến gia đình rất lo lắng. Không bán được dưa hấu thì nhà tôi biết lấy tiền đâu mà trả nợ”, anh Oanh tâm sự.

Không có thương lái đến hỏi mua, những ngày qua ông Phan Văn Hùng (49 tuổi, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) cùng gia đình phải chở mỗi lần vài chục kg để bán lẻ cho người dân và các hàng quán gần nhà.

Ông Hùng chia sẻ: Trước đây, vợ chồng ông làm nhân công cà phê. Sau khi tích góp được một ít vốn liếng thì đi thuê 2 ha đất để trồng dưa hấu. Mấy ngày qua, trong 2 ha đất đã có 7 sào dưa hấu trồng sớm cho thu hoạch khoảng 27 tấn. Tuy nhiên, khi dưa chín đầy đồng nhưng vẫn không có người đến hỏi mua.

“Gia đình tôi thuê đất, máy móc, nhân công và mua phân bón… tốn khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, giờ đây 7 sào dưa hấu cho thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua. Nhà tôi phải chở đi bán lẻ, nhưng chỉ được 2.000 - 4.000 đồng/kg”, ông Hùng nói.

Chung tay hỗ trợ

Không chỉ ở Kon Tum, mà tại tỉnh Gia Lai nhiều ha dưa hấu của người nông dân cũng nằm trên đồng, chưa có thương lái thu mua. Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa (Gia Lai), cho biết, toàn huyện có khoảng 1.000 ha đất trồng dưa hấu. Những người trồng dưa hấu chủ yếu ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định lên Gia Lai thuê đất. Năm nay, sản lượng ước tính đạt khoảng 40.000 tấn, nhưng gặp khó trong đầu ra.

Để hỗ trợ, sẻ chia phần nào khó khăn với người nông dân, Tỉnh đoàn Kon Tum phối hợp cùng Huyện đoàn Đăk Hà cử cán bộ đến tận các vườn để mua dưa hấu ủng hộ bà con. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ đoàn viên thanh niên đều chia sẻ thông tin kêu gọi hỗ trợ, tiêu thụ dưa hấu giúp người dân trên mạng xã hội.

Từ những bài viết kêu gọi tiêu thụ dưa hấu đã thu hút được sự hỗ trợ của đông đảo người dân. Chỉ trong một ngày kêu gọi, Tỉnh đoàn Kon Tum đã hỗ trợ tiêu thụ được hàng chục tấn dưa hấu cho hộ gia đình anh Hồ Oanh.

Anh Oanh tâm sự, hiện có các đơn vị đoàn thanh niên, UBND xã Đăk Ngọc… cùng kêu gọi hỗ trợ nên gia đình đã bán được hơn 60 tấn dưa hấu. Số dưa hấu còn lại vẫn đang tiếp tục được nhiều người hỗ trợ, thu mua giúp.

“Khi được mọi người hỗ trợ thu mua dưa hấu chúng tôi mừng lắm, nhưng xen lẫn chút lo lắng vì vốn liếng đầu tư đều vay mượn của ngân hàng. Gia đình tôi đầu tư khoảng 150 triệu đồng/ha. Với giá mua hiện tại là 4.000 đồng/kg thì tôi lỗ khoảng 600 triệu đồng. Thời gian tới, tôi không biết xoay tiền đâu ra để trả nợ ngân hàng và tiền phân bón của đại lý”, anh Oanh nói.

Chị Trần Thị Yến, Bí thư Huyện đoàn Đăk Hà, cho hay, nhiều ngày nay đơn vị đã nắm được thông tin về việc một số hộ dân trên địa bàn gặp khó khăn khi tiêu thụ dưa hấu. Ngay sau đó đơn vị đã liên hệ với Tỉnh đoàn Kon Tum, đồng thời kêu gọi các huyện đoàn trên địa bàn tỉnh cùng hỗ trợ tiêu thụ giúp bà con.

Chị Y Việt Sa, Trưởng ban Tuyên giáo - Tỉnh đoàn Kon Tum, cho biết, hiện Tỉnh đoàn đang phối hợp với các huyện đoàn trên địa bàn để đăng tải thông tin trên mạng xã hội nhằm kết nối, hỗ trợ tiêu thụ dưa tồn đọng tại vườn cho bà con. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh và sản lượng dưa tồn đọng nhiều nên cũng khá khó khăn. Nhưng các đơn vị luôn cố gắng hết sức để sẻ chia, giúp đỡ những người nông dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.