Đây là một phần thông báo của Đại sứ quán Nhật Bản gửi tới người lao động Việt Nam nhằm cảnh báo tình trạng lừa đảo người lao động về việc có thể sang làm việc tại Nhật Bản bằng visa tị nạn.
Theo đó, một số người môi giới xuất khẩu lao động có thể đã xúi giục với người lao động rằng “sau khi xin tị nạn 6 tháng thì có thể làm việc”.
Theo Đại sứ quán Nhật Bản, việc xin tị nạn là trường hợp người dân bị Chính phủ nước sở tại bức hại đến mức phải bỏ trốn đến Nhật Bản cầu xin sự bảo vệ của Chính phủ Nhật Bản. Trong khi đó, thực tập sinh kỹ năng nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ nước sở tại để đến Nhật Bản không thể là người tị nạn.
Kể từ tháng 1/2018, chế độ chứng nhận tị nạn đã được chấn chỉnh tại Nhật Bản. Trong trường hợp người xin chứng nhận tị nạn nhưng không thực sự là người tị nạn, đại sứ quán Nhật Bản thông báo: Họ không được phép làm việc, cư trú và có thể bị cưỡng chế về nước.
Cũng theo đại sứ quán Nhật Bản, cho tới nay chưa từng có thực tập sinh kỹ năng Việt Nam nào được chứng nhận là người tị nạn ở Nhật Bản.
Thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam cho thấy, Nhật Bản là thị trường lao động thu hút đông nhất lao động Việt Nam tới làm việc trong năm 2018, cụ thể: Trong 142.860 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của năm 2018, thị trường lao động Nhật Bản đã thu hút tới 68.737 lao động.