Đại học Thái Nguyên hợp tác đào tạo nhân lực và khoa học công nghệ với tỉnh Lạng Sơn

GD&TĐ - Ngày 13/9, tại tỉnh Lạng Sơn, Đại học Thái Nguyên và tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2018 – 2023.

GS.TS Phạm Hồng Quang và ông Phạm Ngọc Thưởng kí kết các văn bản hợp tác
GS.TS Phạm Hồng Quang và ông Phạm Ngọc Thưởng kí kết các văn bản hợp tác

GS.TS Phạm Hồng Quang – Giám đốc Đại học Thái Nguyên và đồng chí Phạm Ngọc Thưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn dự và kí kết các văn bản hợp tác.

Tại buổi làm việc, tỉnh Lạng Sơn đã nêu rõ nhu cầu về nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian tới và đề xuất một số nội dung trong Biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và hoạt động khoa học giữa 2 đơn vị giai đoạn 2018 – 2023 trên 3 nội dung chính, bao gồm:

Về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực (trình độ đại học, sau đại học): Phối hợp trong công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện đổi mới CT, SGK GDPT theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT; hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng, cử giảng viên có kinh nghiệm, trình độ cao tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng ngắn hạn tại tỉnh Lạng Sơn; Bồi dưỡng cán bộ thực hiện công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục;

Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho tỉnh Lạng Sơn (tiến sĩ, thạc sĩ và tương đương), trong đó ưu tiên các chuyên ngành tỉnh đang khuyến khích đào tạo như: Chính sách công, quản trị nhân lực, quản trị kinh doanh, kỹ thuật máy tính, quản lý đô thị và công trình, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến nông sản sau thu hoạch…với 2 hình thức đào tạo: tập trung tại trường hoăc liên kết với các trường cao đẳng của tỉnh tổ chức đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ ứng dụng tại tỉnh Lạng Sơn.

Về hợp tác bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn, bao gồm: Đào tạo, bồi dưỡng, thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ và tin học theo quy định của Bộ GD&ĐT; đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ, các khóa tập huấn ngắn hạn thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, khuyến nông và phát triển nông thôn, kinh doanh và quản lý, môi trường; đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ, các khóa tập huấn ngắn hạn thuộc lĩnh vực y tế và sức khỏe, y học gia đình. Định hướng chuyên khoa phục hồi chức năng; định hướng chuyên khoa tâm thần; thẩm mỹ và ứng dụng công nghệ laser; điện từ trường; tế bào gốc trong chuyên ngành da liễu và bác sĩ gia đình…

Về khoa học công nghệ: Hai đơn vị phối hợp đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ thực hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn theo định hướng Sở Khoa học và Công nghệ thông báo hàng năm; cử cán bộ tham gia các Hội đồng tư vấn nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh Lạng Sơn; chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong tỉnh thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Trong giai đoạn từ 2011 – 2017 Đại học Thái Nguyên đã đào tạo cho tỉnh 147 cán bộ trình độ sau đại học; mở 2 lớp đào tạo chuyên khoa cấp II về Y Dược cho 33 học viên; tuyển sinh đại học chính quy từ năm 2015 – 2017 được 867 sinh viên, các hệ khác 64 sinh viên... Trong năm 2017, tỉnh Lạng Sơn đã có ký kết Thỏa thuận hợp tác về hoạt động khoa học công nghệ và đào tạo giai đoạn 2017 – 2020 với Trường Đại học Khoa học. Theo đó, nhà trường đã tham gia tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh và được phê duyệt thực hiện 2 đề tài: “Ứng dụng màng sinh học chitosan – nano nhằm kéo dài thời gian bảo quản quả Quýt của tỉnh Lạng Sơn” ; “Nghiên cứu giá trị dược học và giá trị dinh dưỡng từ cây Mác Mật của tỉnh Lạng Sơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ