Năm nay, bảng xếp hạng đại học châu Á mở rộng từ 350 đến 400 trường, trong đó 250 trường thuộc tốp đầu được xếp theo thứ hạng và 150 trường còn lại được xếp vào các nhóm 251-260,… 291-300, 301-350 và 351-400. Dù có sự mở rộng này, nhưng so với năm ngoái Việt Nam vẫn chỉ có 5 trường góp mặt, với sự đảo lộn thứ hạng của các trường tốp cuối rất nhiều.
Thứ hạng của ĐHQGHN vẫn là 139, ĐHQG TpHCM tăng từ vị trí 147 lên 142.
Nhóm hạng của các trường còn lại là: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tăng từ nhóm 301-350 lên nhóm 291-300, ĐH Cần Thơ từ 251-300 xuống nhóm 301-350 và ĐH Huế từ nhóm 301-350 xuống 351-400.
Theo thống kê của QS, so với tổng số 11.900 cơ sở giáo dục đại học từ 17 quốc gia trong toàn Châu Á, vị trí xếp hạng của ĐHQGHN đã thuộc tốp 1.2%.
Bảng xếp hạng QS châu Á có 10 tiêu chí với các trọng số khác nhau, bao gồm:
Theo phân tích của GS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐHQGHN, ngoại trừ chỉ số về số lượng công bố quốc tế, các trường đại học nhóm đầu của Việt Nam đã có một số chỉ số so sánh được với mặt bằng trung bình của các trường đại học tốp 400 châu Á.
Trong 5 năm (2011-2015), mỗi giảng viên châu Á công bố trung bình khoảng 4,5 bài báo trong hệ thống tạp chí Scopus, trong khi đó chỉ số cao nhất của Việt Nam mới vào khoảng 0,7 bài (mỗi năm trung bình chỉ được 0,14 bài).
Chỉ số về tỷ lệ sinh viên trên giảng viên gần đạt đến mức trung bình (Châu Á: 12,5 – ĐHQGHN: 14,2). Riêng đối với chỉ số trích dẫn trung bình của mỗi bài báo thì Việt Nam đã vượt qua được ngưỡng (Châu Á: 5,2 lần/bài báo – ĐHQGHN: 5,8 lần).
Đặc biệt, đối với tiêu chí do các nhà khoa học và các nhà tuyển dụng trong nước và quốc tế đánh giá trực tiếp (thực hiện qua hệ thống phiếu khảo sát trực tuyến), hai đại học hàng đầu của Việt Nam đều nhận được mức trung bình của châu Á.
Trong tốp 10 của bảng xếp hạng đại học châu Á năm nay, ngoài hai trường dẫn đầu của Singapore và 1 trường của Hàn Quốc (Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc – KAIST), có 3 trường của Trung quốc (Đại học Tinh Hoa, Đại học Phúc Đán và Đại học Bắc Kinh), 4 trường của Hồng Công – Trung Quốc (Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Công, Đại học Hồng Công, Đại học thành phố Hồng Công và Đại học Trung Hoa Hồng Công).
Trong khối ASEAN, Malaixia có 27 trường, Inđônêxia có 17 trường, Thái Lan có 14 trường, Philipin có 6 trường và Brunei có 1 trường.
Trước đó, năm 2016 trong bảng xếp hạng QS Châu Á, ĐHQGHN đứng thứ 1 Việt Nam cùng với ĐHQGHTp.HCM (thứ 2), Đại học Cần Thơ (thứ 3), Đại học Huế (thứ 4) và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (thứ 5). Ở thứ hạng trong khu vực, từ vị trí 191 trong top 200 đại học hàng đầu Châu Á (2015), năm 2016, ĐHQGHN đã vươn lên thứ 139 trong top 150 đại học hàng đầu Châu Á.
Cũng trong năm, hồi tháng 9/2017 lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện một bảng xếp hạng đại học do một một nhóm chuyên gia độc lập thực hiện. Báo cáo được thực hiện trong khuôn khổ một sáng kiến giáo dục phi lợi nhuận và độc lập.
Ở bảng xếp hạng này, ĐHQGHN ở vị trí số 1 của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Trong lần đầu công bố, Nhóm đã xếp hang 49 cơ sở giáo dục đại học có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ lieu hơn 1000 đơn vị mà Nhóm thu thập được từ năm 2014.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các Đại học Quốc gia và Đại học vùng có lịch sử lâu đời, quy mô lớn đều đứng ở thứ hạng cao. Đứng thứ nhất trong Top 5 là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng ở vị trí thứ 4 và Đại học Quốc gia TP.HCM thứ hạng 5. Trong Top 10 trường hàng đầu còn có các cơ sở đại học lớn truyền thống khác như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam đứng thứ 3, Đại học Cần Thơ xếp thứ 6, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vị trí thứ 7, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thứ 10.