Việc ra mắt chương trình đào tạo cử nhân Thiết kế sáng tạo góp phần đưa Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành một trung tâm nghệ thuật và sáng tạo, dẫn dắt những xu hướng tiên phong ở Việt Nam và khu vực, chia sẻ giá trị cho cộng đồng, hỗ trợ tư vấn, chuyển giao tri thức cho các doanh nghiệp, tổ chức… trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo nói riêng và văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo nói chung.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm khoa Các khoa học liên ngành, cho biết: Đây là quả ngọt sau một quá trình lao động liên tục, lâu dài từ việc xây dựng ý tưởng, hệ thống hóa chương trình đến thực hiện triển khai viết đề cương môn học của một tập thể các nhà khoa học là cán bộ giảng viên của Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN;
Cùng sự tham gia đông đảo của nhiều thầy cô đến từ các trường đào tạo nghệ thuật, sáng tạo ở Hà Nội; Các đối tác tham gia tư vấn xây dựng chương trình - những người phản biện trong việc xác định các chuẩn đầu ra về kỹ năng và năng lực với mong muốn phần nào thu hẹp khoảng cách giữa nội dung đào tạo và thực tế yêu cầu của thị trường lao động.
Đây là sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng cho sự phát triển của Khoa Các khoa học liên ngành nói riêng và định hướng phát triển các ngành sáng tạo và nghệ thuật dựa trên nền tảng truyền thống liên ngành của ĐHQGHN nói chung. Chương trình trở thành nền tảng quan trọng hỗ trợ việc xây dựng và phát triển thành phố Hà Nội trong tương lai.
Trước những sự phát triển của đời sống xã hội thời kỳ 4.0, yêu cầu đặt ra đối với nhà thiết kế không chỉ biết vẽ, có tư duy mỹ thuật, tạo hình, mà cần phát triển năng lực sáng tạo toàn diện để đem lại những giải pháp trực quan giải quyết vấn đề dựa trên hiểu biết về nghệ thuật, văn hóa bản địa, văn hóa đương đại, xã hội, công nghệ, hiểu biết nền công nghiệp, thị trường,… Từ đó có thể quản lý và tham gia vào nhiều khâu đoạn khác nhau của các giải pháp thiết kế sáng tạo tổng thể bền vững.