Đại học ở Mỹ, Anh lo lắng trước nguy cơ sụt giảm nguồn du học sinh châu Á

Sinh viên trường Đại học Syracuse (New York) đeo khẩu trang hồi tháng 3/2020. Ảnh: Reuters.
Sinh viên trường Đại học Syracuse (New York) đeo khẩu trang hồi tháng 3/2020. Ảnh: Reuters.

Theo báo Asia Nikkei, quyết định của Chính phủ Mỹ rút lại kế hoạch trục xuất sinh viên quốc tế có các khóa học chuyển hoàn toàn sang hình thức trực tuyến sẽ là một sự giải tỏa cho các trường đại học Mỹ bởi sinh viên châu Á đóng góp một phần lớn vào nguồn thu của các trường.

Tuy nhiên, tại các quốc gia như Anh và Mỹ, những nơi tới nay đã ghi nhận hàng chục nghìn tới trên một trăm nghìn ca tử vong do COVID-19, các trường học còn nhiều việc phải làm để chứng tỏ họ vẫn có thể cung cấp một nền giáo dục chất lượng cao trong môi trường an toàn và thân thiện.

Nhờ ngày càng nhiều sinh viên châu Á tới Anh và Mỹ du học, các cơ sở giáo dục ở cả hai quốc gia này đã chứng kiến sự tăng trưởng doanh thu một cách nhanh chóng. Có khoảng 400.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Mỹ. Con số đang theo học tại Anh tăng từ 89.540 sinh viên vào năm 2015 tới 120.385 sinh viên vào thời điểm bắt đầu năm học 2019-2020. Trung bình cứ 8 sinh viên theo học tại Anh thì có 1 sinh viên Trung Quốc. Riêng Đại học Manchester đã có 5.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập.

“Đang có một tâm lý lo ngại lây lan liên quan tới vấn đề các sinh viên quốc tế tại Mỹ”, Steven Boyd, một chuyên gia trong lĩnh vực tuyển sinh sinh viên quốc tế, phát biểu trên tờ Nikkei Asian Review. 

“Mỹ đối với nhiều người là một điểm đến lý tưởng, nhưng nhiều sinh viên có thể hiểu rằng quyết định vừa qua là dấu hiệu cho thấy sinh viên quốc tế không được chào đón ở Mỹ… 

Cảm nhận chung của những người điều hành các trường đại học là tại thời điểm khó khăn này, kế hoạch của Chính phủ đang gửi đi thông điệp sai lệch”, ông Boyd nhận xét.

Quyết định thay đổi đột ngột đã được đưa ra sau khi các trường đại học đệ đơn kiện và Chính phủ Mỹ thông báo sẽ rút lại kế hoạch áp chính sách visa mới với sinh viên nước ngoài. 

Dù vậy, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết Chính quyền Tổng thống Trump vẫn đang lên kế hoạch trong vài tuần tới sẽ ban hành một qui định mới liên quan tới việc liệu sinh viên nước ngoài có thể được phép lưu lại Mỹ hay không, trong trường hợp lớp các em chuyển sang học trực tuyến.

Tình hình của các trường Đại học vốn đã khó khăn do dịch COVID-19 ngăn cản các chuyến đi ngắn hạn, song việc số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ vượt quá 141.000 và trên 45.000 ở Anh càng khiến các sinh viên đang dự định nộp đơn ghi danh học tại hai nước này thêm lo lắng.

Ông John MacIntyre, Phó hiệu trưởng Đại học Sunderland ở vùng đông bắc nước Anh, cho biết nhu cầu học tập vẫn ổn định từ các quốc gia Nam Á, nhưng sinh viên ở các nước khác - đặc biệt là những quốc gia ở Đông Á đang nhanh chóng kiểm soát được đại dịch - có thể ít hơn. 

"Sinh viên đến từ những quốc gia đó đã quen đeo khẩu trang và họ có ý thức xử lý tình huống này. Họ biết họ cần làm gì để vượt qua điều ấy. Họ lo lắng về việc đến Vương quốc Anh. 

Vấn đề lớn nhất mà chúng tôi phải vượt qua là sinh viên Đông Á đang nhận thức rằng Vương quốc Anh đã xử lý dịch COVID-19 rất tệ. Đó không phải là về vấn đề danh tiếng của nhà trường, mà là nhận thức rằng Vương quốc Anh đã tạo ra mớ hỗn độn với nhiều ca tử vong hơn đáng lẽ phải có”.

Đại học ở Mỹ, Anh lo lắng trước nguy cơ sụt giảm nguồn du học sinh châu Á ảnh 2
Sinh viên đi lại trong khuôn viên Đại học Michigan tháng 9/2018. Ảnh: Reuters.

Ở Mỹ, tình huống tương tự cũng xảy ra.

"Với số lượng lớn trường hợp mắc COVID-19 được công bố trên các phương tiện truyền thông và lo ngại về cách thức giải quyết khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ở Mỹ, nhiệm vụ chính của các trường đại học thời điểm này là phải giải thích những biện pháp mà họ đang thực hiện để giảm thiểu tác động của đại dịch, cũng như để bảo vệ sức khỏe của sinh viên sống trong và ngoài khuôn viên trường”, Boyd cho biết.

Ông Boyd nói thêm nếu điều này không được thực hiện, sinh viên Đông Á có thể ở nhà hoặc chọn nơi khác. Đây sẽ giáng một đòn mạnh vào nguồn tài chính của các trường đại học ở Mỹ.

Những năm gần đây, sinh viên châu Á đóng góp nguồn thu tài chính rất lớn cho các tổ chức giáo dục. Với học phí, chi phí ăn ở cũng như chi tiêu chung, các sinh viên này đóng góp một khoản tiền đáng kể cho các trường đại học và nền kinh tế địa phương ở Mỹ. 

Vào tháng 2, tạp chí Times Greater Education ước tính chỉ riêng Trung Quốc đã đóng góp khoảng 2,14 tỷ USD cho các trường đại học ở Vương quốc Anh.

Việc số lượng sinh viên quốc tế sụt giảm trong năm học tới, khai giảng tháng 9 này, có thể sẽ gây thiệt hại lớn cho các trường. Số sinh viên Trung Quốc nộp đơn xin thị thực du học Mỹ giảm 72% trong quý đầu tiên của năm 2020, theo Forbes. 

Ông MacIntyre nói: "Một số trường đại học phụ thuộc rất nhiều vào sinh viên quốc tế. Chúng tôi cảm thấy có thể đối phó với sự thay đổi này, miễn là không có điều gì khác xảy ra nữa, như làn sóng dịch thứ hai hay đợt bùng phát ở nước ngoài. Đó sẽ là yếu tố quyết định chính”.

Làn sóng bùng phát thứ hai cũng sẽ là một vấn đề lớn ở Mỹ.

Chuyên gia Steven Boyd cho hay nhiều trường đại học Mỹ dự đoán một sự sụt giảm đáng kể số lượng đơn sinh viên nước ngoài đăng ký học vào mùa thu 2020 và mùa xuân 2021. 

Ông cho rằng "tại các trường đại học lớn, sự sụt giảm trong tuyển sinh quốc tế nói chung có thể gây thiệt hại hàng chục triệu USD doanh thu từ học phí. Các trường nhỏ hơn có thể bị mất ít doanh thu hơn, nhưng mức độ thiệt hại có thể nhiều hơn”.

Tuy nhiên, chuyên gia này tin tưởng các trường đại học có thể đã được chuẩn bị tốt hơn, sau khi chứng kiến sự tác động đến tuyển sinh quốc tế của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Các trường đại học bắt đầu nhận ra tác động tiêu cực của việc có quá nhiều trứng tuyển dụng trong một hoặc hai giỏ.

Giới chức các trường đại học đã không cân nhắc đúng đắn rằng thị trường sinh viên quốc tế vận hành khác với đối với thị trường trong nước, và những thay đổi không lường trước về kinh tế, chính trị hay trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, có thể ảnh hưởng tức thì và tiêu cực đến công tác tuyển sinh và nguồn thu của các trường”.

Nếu sinh viên cảm thấy không an toàn và không được chào đón, nhiều người có thể chọn học ở châu Á.

Ông MacIntyre đánh giá "các tiêu chuẩn ở châu Á đã được cải thiện đáng kể và có chất lượng thực sự như ở những nước như Trung Quốc", dù ông tin rằng mặc dù bị ảnh hưởng bởi các vấn đề ngắn và trung hạn, sinh viên châu Á sẽ quay trở lại trong những năm tới.

"Tôi cho rằng một khi điều này kết thúc, nhu cầu về giáo dục quốc tế sẽ vẫn còn. Đại dịch đã cho thấy chúng ta sống trong một hệ sinh thái quốc tế, cơ hội cho những người trẻ tuổi đi du học, đón nhận nền giáo dục và trải nghiệm cuộc sống sẽ không biến mất”, chuyên gia này kết luận.

Theobaotintuc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.