Quy định cấm thầy và trò yêu nhau ở trường đại học gây ra nhiều ý kiến trái chiều. |
Theo thông tin từ trang web chính thức của Đại học Syracuse, quy định mới này cấm tất cả nhân viên của trường, bao gồm giảng viên, giáo sư, có quan hệ yêu đương với sinh viên, thậm chí với cả sinh viên sau đại học mà họ phụ trách hướng dẫn.
Trong một thông cáo báo chí, lãnh đạo trường Syracuse cho biết quy định mới được đề xuất bởi ban giám hiệu - bộ phận gồm các giáo sư, nhà quản lý phụ trách việc quản lý trường học.
Sheila Johnson-Willis, đại diện nhà trường, nói chính sách này là một phần nỗ lực để làm trong sạch môi trường đại học, hạn chế nạn quấy rối tình dục.
Quy định không ảnh hưởng tới những sinh viên học tại Syracuse mà đã là vợ hoặc chồng của giảng viên, nhân viên của trường trước đó.
Ngoài ra, các trường hợp ngoại lệ có thể được chấp nhận nếu được hội đồng nhà trường thông qua. Quy định mới khuyến khích các giảng viên nên đặt trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của họ lên hàng đầu.
Thông báo cũng lưu ý rằng những mối quan hệ hẹn hò “có thể chấp nhận được trong một vài hoàn cảnh” sẽ tạo ra những tiêu cực trong môi trường học tập, như việc ưu ái, thiên vị hay xung đột lợi ích có thể phát sinh.
Không chỉ đối với sinh viên đang học, quan hệ tình cảm giữa giảng viên và sinh viên sau đại học cũng có thể gây ra nhiều vấn đề. Rủi ro bao gồm đặt sinh viên vào vị thế dễ bị tổn thương hoặc khiến những sinh viên khác có cái nhìn không hay về môi trường học tập khó khăn và có tính cạnh tranh cao.
“Tính chuyên nghiệp ở đại học đòi hỏi những người có thẩm quyền không lạm dụng quyền lực mà họ được giao phó”, quy định viết.
Nhiều đại học Mỹ cũng ban hành lệnh cấm tương tự
Không chỉ có Đại học Syracuse, trước đó, rất nhiều trường ở Mỹ cũng ban hành lệnh cấm tương tự, bao gồm cả những ngôi trường nổi tiếng như Đại học Harvard, Stanford, Yale hay Pennsylvania.
Năm 2015, khoa Khoa học và Nghệ thuật của Đại học Harvard ban hành lệnh cấm thầy và trò yêu nhau, được sửa đổi từ quy định trước đó. Họ cho rằng mối quan hệ giữa sinh viên và giảng viên là không phù hợp nhưng vẫn cho phép thầy và trò không cùng lớp hẹn hò.
Quy định sau khi sửa đổi nêu rõ các giảng viên, nhân viên bị cấm hẹn hò hay yêu đương bất kỳ sinh viên nào đã đăng ký khóa học do cá nhân đó giảng dạy hoặc hướng dẫn trước khi quá trình học tập kết thúc. Nếu vi phạm, giáo viên có thể bị sa thải.
Đầu năm nay, Đại học Pennsylvania cũng sửa đổi quy định chỉ cấm các mối quan hệ yêu đương trong thời gian giáo viên trực tiếp giảng dạy hoặc hướng dẫn sinh viên đó thành cấm thầy và trò yêu nhau trong toàn bộ thời gian công tác cũng như học tập tại trường, bất kể giáo viên có trực tiếp dạy sinh viên hay không.
Quy định này áp dụng cho tất cả cố vấn học tập, trưởng khoa, những trường trực thuộc và trường thuộc sở hữu hoặc quản lý của Đại học Pennsylvania.
Tuy nhiên, Penn lại không cấm mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên sau đại học. Theo lãnh đạo nhà trường, điều này phù hợp quy định trước đó là yêu đương chỉ bị cấm trong thời gian họ có mối quan hệ giảng viên - sinh viên tại trường.
Người đại diện trường là Provost Wendell Pritchett cho biết đây là nỗ lực tạo một môi trường học tập không có quấy rối tình dục và các hành vi sai trái khác liên quan đến tình cảm riêng tư giữa thầy và trò.
Theo Bloomberg, một số trường khác bao gồm Đại học Yale và Đại học Connecticut cũng thông qua quy định tương tự. Đa số trường không khuyến khích những mối quan hệ này nhưng không tới mức ban hành lệnh cấm.
Nên hay không nên cấm thầy trò yêu nhau?
Trong thời gian các vụ quấy rối tình dục trong khuôn viên trường gia tăng, rất nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu các trường đại học có nên cho phép mối quan hệ yêu đương giữa giáo viên và sinh viên hay không.
Một số người phản đối lệnh cấm lập luận rằng sinh viên và giáo viên đều là những người đã trưởng thành và họ có quyền thiết lập mối quan hệ mật thiết mà không ai có quyền can thiệp. Trong khi đó, những người ủng hộ quy định thì nói rằng đó là biện pháp để đảm bảo an toàn cho sinh viên cũng như hạn chế tiêu cực tại trường học.
Năm ngoái, một cuộc khảo sát về quan hệ yêu đương ở trường đại học do nhóm nhà nghiên cứu đến từ 6 đại học Quebec đã khiến cuộc tranh luận về vấn đề này thêm nóng hơn.
Kết quả khảo sát cho thấy hơn 1/3 số người được hỏi đã trải qua bạo lực tình dục trong môi trường đại học. Trong đó, hơn 30% người nói rằng vụ việc liên quan người có thẩm quyền trong trường, hơn 1/4 người báo cáo liên quan giảng viên.
Martine Delvaux, giáo sư văn học tại Đại học Quebec Montreal, đã nhiều năm công khai đặt câu hỏi về sự công bằng khi giáo viên và sinh viên có tình cảm. Khi mối quan hệ bị rạn nứt, người dễ bị tổn thương và chịu thiệt thòi là sinh viên.
Ví dụ, sinh viên có thể bị đánh trượt luận văn. Nó sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng không chỉ là thành công trong học tập mà còn cả sự nghiệp của họ. Trong khi đó, một số người lại tỏ ra nghi ngờ việc áp dụng và thực thi quy định cấm này.
Jean-Marie Lafortune, chủ tịch liên đoàn giáo viên Đại học Quebec đặt nghi vấn: “Liệu trường sẽ có cảnh sát đạo đức để giám sát giáo viên? Nếu có thì điều này cũng có thể tạo ra một bầu không khí căng thẳng và khiến mọi người đều có cảm giác mình đang bị theo dõi”.