Được biết, UPM là một bảng xếp hạng theo hình thức gắn sao (star rating) áp dụng cho các trường đại học của Việt Nam. Nhóm đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá được xây dựng khá rộng theo tiếp cận kiểm định chất lượng và thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.
UPM vừa quản lý cơ sở dữ liệu tổng thể của hệ thống vừa cung cấp công cụ để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng để tự đo lường và đối sánh mức độ thích ứng với công nghiệp 4.0 và năng lực đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sang tạo với các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước và châu lục; làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược đầu tư phát triển.
Các tiêu chí được đưa ra đánh giá được đưa ra gồm: Quy mô nghiên cứu - tổng số các bài báo tích hợp, đã được lọc trùng từ 2 cơ sở dữ liệu Web of Science và Scopus của các cơ sở giáo dục ĐH xuất bản trong giai đoạn 2015-2019 (chiếm 45%); Năng suất nghiên cứu – chỉ số bài báo trung bình trên giảng viên và nghiên cứu viên (chiếm 25%); Chất lượng nghiên cứu – chỉ số trích dẫn trung bình thu thập được trong năm 2019 cho các bài báo xuất bản trong giai đoạn 2014-2015 (chiếm 25%); Chỉ số công bố bằng nội lực – Tỉ lệ phần trăm các bài báo hoàn toàn của tác giả Việt Nam (chiếm 5%).
TS. Trương Huy Hoàng – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực trao thưởng cho Thủ khoa năm 2019. |
Theo công bố, Trường ĐH Điện lực dẫn đầu về chỉ số nghiên cứu nội lực của các cơ sở giáo dục đại học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đứng đầu bảng xếp hạng tổng thể, quy mô và năng suất nghiên cứu và Trường ĐH Y Hà Nội đứng đầu về xếp hạng chỉ số trích dẫn.
Cụ thể, Trường ĐH Điện lực dẫn đầu về chỉ số công bố bằng nội lực với Tỉ lệ bài báo bằng nội lực cao nhất (60,54) đạt 100 điểm chuẩn hóa. Xếp phía sau là các trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Hàng hải Việt Nam và Trường ĐH Công nghiệp Tp HCM.
Với định hướng xây dựng Trường ĐH Điện lực trở thành trường đại học xuất sắc về nghiên cứu, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Ngành điện nói riêng và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Trên cơ sở lấy chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) gắn kết với thực tiễn sản xuất, Trường ĐH Điện lực luôn thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách hàng và thực tiễn đặt ra.
Nhiều doanh nghiệp trao học bổng cho sinh viên Đại học Điện lực. |
Các lĩnh vực nghiên cứu thuộc thế mạnh của trường bao gồm: Các hệ thống kỹ thuật trong các nhà máy điện (thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác thải), trạm điện và đường dây truyền tải điện; các bộ phận và hệ thống nhiệt-lạnh (như lò hơi, lò quay, máy lạnh, tuabin nhiệt, bơm nhiệt, mạng nhiệt); các hệ thống đo lường, điều khiển, bảo vệ, giám sát và truyền tin trên diện rộng; các vấn đề liên quan đến cơ khí, chế tạo và xây dựng điện....
Nhiều năm qua trường đã nghiên cứu hàng trăm đề tài các cấp như: cấp Trường, cấp EVN, cấp Bộ Công thương, cấp Sở Khoa học và Công nghệ, cấp Nhà nước. Bên cạnh các kết quả nghiên cứu phát triển và ứng dụng, các nhà khoa học của trường còn công bố các kết quả đó trong hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí uy tín ở trong và ngoài nước.
Việc nằm trong top đầu bảng xếp hạng nghiên cứu đại học Việt Nam 2019, đặc biệt là vị trí dẫn đầu cả nước về chỉ số công bố bằng nội lực là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của tập thể Trường ĐH Điện lực, mà cụ thể là những phấn đấu, cống hiến, đóng góp rất đáng trân trọng của đội ngũ giảng viên, nhà khoa học của nhà trường. Những thành tích đáng mừng trên đã góp phần khích lệ tinh thần, đam mê tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu của tập thể cán bộ, giảng viên Trường ĐH Điện lực.