Để làm rõ hơn về vấn đề này, báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Khảm - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế).
Tăng bảo hiểm vì có thêm quyền lợi
- Nhiều phụ huynh rất bất ngờ trước mức tăng của bảo hiểm y tế phải đóng đầu năm học. Xin ông lý giải vì sao lại có sự thay đổi mức thu như vậy?
Tôi biết trong thời điểm hiện nay, rất nhiều phụ huynh và công luận quan tâm đặt câu hỏi như trên.
Mức đóng bảo hiểm y tế của các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế được quy định bởi Nghị định 105 năm 2014 của Chính phủ. Theo đó, học sinh sinh viên sẽ thực hiện mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5% mức lương cơ sở (trước đây, mức đóng là 3%).
Mức đóng bảo hiểm y tế là thống nhất cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có sự hỗ trợ của nhà nước hoặc một phần của ngân sách nhà nước. Cụ thể với học sinh, sinh viên tính theo mức lương cơ sở, còn các đối tượng lao động tính theo mức tiền lương, tiền công.
Sở dĩ có sự điều chỉnh này là nhằm đáp ứng một số yêu cầu sau:
Thứ nhất: Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ 1/1/2015 đã mở rộng quyền lợi với người tham gia bảo hiểm y tế. Ví dụ, mức hưởng bảo hiểm y tế với người thuộc hộ gia đình nghèo trước đây là 95% - tức phải cùng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh; nhưng giờ không phải cùng chi trả nữa.Tương tự như vậy với đồng bào dân tộc thiểu số và người sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, ngư dân ở các xã đảo, biển đảo.
Tiếp theo đó là nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo, trước đây khi khám chữa bệnh phải trả 20% chi phí, thì nay chỉ phải cùng chi trả 5%. Như vậy, mức quyền lợi đã được mở rộng.
Thêm nữa, chúng ta cũng biết, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao do sự thay đổi về mô hình bệnh tật. Bên cạnh đó là sự ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới, kể cả công nghệ trong bào chế dược ...
Riêng với học sinh, sinh viên, quỹ bảo hiểm y tế do học sinh, sinh viên đóng còn được sử dụng một phần trong hoạt động y tế nhà trường, cho nhiệm vụ khám chữa bệnh thông thường và chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm cả các hoạt động giáo dục truyền thông về giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, phòng ngừa tai nạn thương tích, quản lý sức khỏe tại nhà trường.
- Mặc dù vậy, nhưng trên thực thế, việc phải đóng hơn 500.000 bảo hiểm y tế trên một học sinh, với nhiều người lao động, đặc biệt gia đình có đông con là một khoản không hề nhỏ?
Việc thay đổi mức đóng bảo hiểm y tế có ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế của các gia đình cũng như phụ huynh học sinh hay không cũng đã được cân nhắc và xem xét.
Chúng ta thấy rằng, học sinh sinh viên thuộc nhiều đối tượng khác nhau. Trong đó, các em thuộc hộ gia đình nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng; học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, thân nhân của các sĩ quan quân đội, công an đều được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100%.
Ngay cả đối tượng hộ gia đình cận nghèo nhưng sinh sống ở vùng khó khăn, hoặc hộ cận nghèo nhưng thuộc danh sách của hộ mới thoát nghèo vẫn được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng. Với học sinh, sinh viên thuộc gia đình cận nghèo, ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng.
Ngoài ra, hiện ở rất nhiều địa phương đã huy động các nguồn lực khác nhau, từ những dự án phát triển, từ nguồn lực của chính quyền địa phương và cộng đồng để hỗ trợ nốt 30% mức đóng cho hộ gia đình cận nghèo. Do đó, những đối tượng nói trên không bị ảnh hưởng nhiều.
Như vậy, số còn lại ở những gia đình có điều kiện hơn sẽ phải chi trả 70% mức đóng bảo hiểm đối với học sinh, sinh viên.
Không bắt buộc đóng 1 lần trong năm học
- Ngoài mức đóng tăng, nhiều người cũng thắc mắc về thời gian đóng, vì sao lại là 15 tháng mà không phải là 12 tháng. Ông có thể giải thích điều này?
Trong các hướng dẫn về thực hiện bảo hiểm y tế, việc thu đóng bảo hiểm y tế được áp dụng theo năm tài chính, nghĩa là từ mùng 1/1 đến 31/12 của năm dương lịch.
Năm sau, học sinh, sinh viên sẽ thực hiện đóng 12 tháng như bình thường, trừ đối tượng học sinh mới vào lớp 1.
- Gia đình khó khăn có thể không đóng một lúc hết 15 tháng mà chia ra một số lần trong năm được không, thưa ông?
Năm nay học sinh, sinh viên phải đóng 15 tháng, nhưng điều đó không có nghĩa là các bậc phụ huynh phải đóng tiền bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên 15 tháng một lúc.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam có hướng dẫn cho địa phương là Sở GD&ĐT, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp thống nhất hướng dẫn cách thu phù hợp với điều kiện của nhà trường và địa phương và phải có sự đồng thuận của người tham gia.
Chúng ta có thể phân kỳ việc thu đóng bảo hiểm y tế, ví dụ 6 tháng hoặc một năm. Riêng năm nay, có thể thực hiện một cách nữa là: Thu 3 tháng cho hết năm 2015; sau đó thực hiện thu năm 2016 (cách thu có thể là 1 đến 2 lần trong năm chẳng hạn).
Điều quan trọng là, các cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương phải thông tin sớm, đầy đủ cho nhà trường, phụ huynh lựa chọn phương thức phù hợp.
Nhưng cũng phải chú ý, cách thu đóng thế nào để một mặt không bị nặng gánh tài chính vào đầu năm học cho hộ gia đình, nhưng cũng không làm mất thời gian và nhiều thủ tục vì mỗi lần thu đóng là một lần phải đến làm danh sách, lập thủ tục...
HSSV được hưởng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường
- Ông có nói đến việc quỹ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên còn được sử dụng để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh trong nhà trường. Vậy, quy định trích phần trăm bảo hiểm cho các nhà trường cụ thể là bao nhiêu thưa ông?
Quỹ bảo hiểm y tế là để dành cho khám bệnh, chữa bệnh. Tỷ lệ phần trăm quỹ để lại cho các nhà trường là 7% tổng thu quỹ bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên và chỉ dành cho mục đích quản lý sức khỏe, khám bệnh thông thường; thực hiện các giải pháp, biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm (ví dụ: Thừa cân béo phì ở trẻ em, bệnh về mắt, cong vẹo cột sống, những tai nạn thương tích ...
- Nhiều người cũng thắc mắc, tại sao không thực hiện thu nộp bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên theo hộ gia đình? Xin ông lý giải?
Luật bảo hiểm y tế đã phân chia các nhóm đối tượng theo trách nhiệm đóng và theo hỗ trợ của nhà nước để phân định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức quản lý; đồng thời tạo điều kiện cho thao tác về mặt kỹ thuật trong triển khai.
Quy định trong Luật đã xác định học sinh, sinh viên là một nhóm riêng; nhóm tham gia theo hộ gia đình là nhóm riêng.
Sau khi trừ tất cả các đối tượng: Người lao động, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế; đối tượng do quỹ bảo hiểm đóng; đối tượng do ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng; đối tượng ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng, trong đó có học sinh, sinh viên thì những người còn lại mới là đối tượng tham gia theo hộ gia đình.
Thêm nữa, trong quy định của Luật, học sinh, sinh viên được hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, nghĩa là vẫn còn có cơ hội nâng mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên lên; địa phương nếu huy động được nguồn lực cũng có thể hỗ trợ thêm. Nếu tham gia vào hộ gia đình sẽ không được hưởng hỗ trợ đó.
Điều tiếp theo cũng rất quan trọng là học sinh, sinh viên còn được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các nhà trường, đây là nội dung rất quan trọng trong hệ thống giáo dục của chúng ta...
- Xin cảm ơn ông!
Từ ngày 1/1/2015, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của học sinh, sinh viên là 4,5% mức lương cơ sở (1.150.000 đồng X 4,5% = 51.750 đồng/tháng).
Trong đó, học sinh, sinh viên tự đóng 70%. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 30%.