Công nghệ cần thiết trong giáo dục và cuộc sống xã hội của hầu hết thanh thiếu niên. Song, điều đó không có nghĩa là việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều không gây hậu quả tới sức khoẻ.
Tăng nhanh theo thời gian
Năm 2017, nhà tâm lý học Jean Twenge đã nghiên cứu các xu hướng thế hệ tại Đại học bang San Diego (Mỹ).
Chuyên gia này cảnh báo về một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần sắp xảy ra. Tỷ lệ trầm cảm, lo lắng và cô đơn đang gia tăng. Bà đã đưa ra một giả thuyết về nguyên nhân: Điện thoại thông minh và tất cả các phương tiện truyền thông xã hội đi kèm.
“Điện thoại thông minh được hầu hết người Mỹ sử dụng vào khoảng năm 2012. Đó cũng là thời điểm mà sự cô đơn gia tăng. Điều đó rất đáng ngờ”, bà Twenge cho biết.
“Thật vậy, tôi nghĩ bức tranh đang ngày càng nhất quán hơn”, nhà kinh tế học Alexey Makarin - Viện Công nghệ Massachusetts nhận định. Các nhà khoa học đã thấy sự thay đổi lớn trong cách thanh thiếu niên sử dụng thời gian.
Chuyên gia Twenge nhận định, cách thanh thiếu niên sử dụng thời gian bên ngoài trường học đã thay đổi cơ bản vào năm 2012. Cùng thời điểm đó, thời gian sử dụng mạng xã hội bắt đầu tăng vọt. Kết quả từ một cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, năm 2009, chỉ có khoảng một nửa số thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội hằng ngày.
Vào năm 2017, 85% sử dụng mạng xã hội hằng ngày. Đến năm 2022, 95% thanh thiếu niên cho biết sử dụng một số mạng xã hội và khoảng 1/3 sử dụng mạng xã hội liên tục.
“Hiện nay, trong dữ liệu mới nhất, 22% nữ sinh lớp 10 dành bảy giờ trở lên mỗi ngày trên mạng xã hội”, bà Twenge cho biết. Điều đó có nghĩa là nhiều nữ sinh không làm gì khác ngoài việc ngủ, đi học và tham gia vào mạng xã hội. Không có gì ngạc nhiên khi tất cả thời gian sử dụng màn hình này đã cắt giảm thời gian ngủ của nhiều trẻ em.
Từ năm 2010 - 2021, tỷ lệ học sinh lớp 10 và lớp 12 ngủ bảy giờ trở xuống mỗi đêm đã tăng từ 1/3 lên gần 1/2.
“Đó là một bước nhảy vọt. Trẻ em trong nhóm tuổi đó được cho là phải ngủ chín giờ mỗi đêm. Vì vậy, ít hơn bảy giờ là một vấn đề thực sự nghiêm trọng”, bà Twenge chia sẻ.
Bản thân việc thiếu ngủ có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần. “Giấc ngủ cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Không ngủ đủ giấc là yếu tố nguy cơ chính gây ra chứng lo âu, trầm cảm và tự làm hại bản thân”, bà Twenge giải thích.
Thật không may, tất cả các vấn đề sức khỏe tâm thần đó vẫn tiếp tục gia tăng kể từ khi chuyên gia này lần đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo.
“Quả bom hạt nhân” với thanh thiếu niên
Theo nhà tâm lý học Twenge, mọi chỉ số về sức khỏe tâm thần và sức khỏe tâm lý đều trở nên tiêu cực hơn ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi kể từ năm 2012. Nhìn chung, chứng lo âu, trầm cảm và cô đơn đều gia tăng.
Không chỉ thế, hành vi tiêu cực cũng tăng, bao gồm việc thiếu niên phải tới phòng cấp cứu vì tự làm hại bản thân, cố gắng tự tử.
Theo bà Twenge, những thay đổi nhanh chóng này trùng khớp với sự tiếp thu nhanh nhất của công nghệ mới trong lịch sử loài người. Việc đưa điện thoại thông minh vào cuộc sống cho phép con người tương tác gần như không ngừng với các ứng dụng mạng xã hội.
Nhà khoa học dữ liệu Chris Said, tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Princeton cho biết: “Mạng xã hội giống như một quả bom hạt nhân đối với đời sống xã hội của thanh thiếu niên. Tôi không nghĩ có bất cứ điều gì trong ký ức gần đây, hoặc thậm chí là lịch sử xa xưa, đã thay đổi cách thanh thiếu niên giao lưu nhiều như mạng xã hội”. Tuy nhiên, thời điểm đó không phải bằng chứng chắc chắn về việc liệu mạng xã hội có thực sự gây ra chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên hay không.
Trong thập kỷ qua, các nhà khoa học đã công bố một loạt nghiên cứu nhằm trả lời câu hỏi này và những nghiên cứu đó đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt.
Trong vài năm qua, một số nghiên cứu đã được đưa ra có thể trực tiếp kiểm tra xem phương tiện truyền thông xã hội có gây ra chứng trầm cảm hay không. Thay vì mơ hồ và hỗn tạp, chúng hỗ trợ lẫn nhau và cho thấy những tác động rõ ràng của phương tiện truyền thông xã hội.
“Các tài liệu dường như cho thấy, thực sự, mạng xã hội có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, đặc biệt là của người trẻ tuổi”, chuyên gia Alexey Makarin, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.
Trong nghiên cứu đó, Makarin và nhóm của ông đã giới thiệu Facebook theo từng giai đoạn trên khắp các trường cao đẳng Mỹ từ năm 2004 - 2006. Điều đó cho phép các nhà nghiên cứu so sánh sức khỏe tâm thần của sinh viên giữa các trường cao đẳng nơi Facebook mới xuất hiện với nơi Facebook chưa xuất hiện. Họ cũng có thể đo lường mức độ thay đổi sức khỏe tâm thần của sinh viên trên một khuôn viên trường cụ thể, khi mọi người bắt đầu dành nhiều thời gian trên mạng xã hội.
“Gần như ngay sau khi Facebook xuất hiện ở trường, chúng tôi thấy sự gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần mà sinh viên báo cáo. Chúng tôi đặc biệt thấy tác động đến tỷ lệ trầm cảm, rối loạn lo âu và các vấn đề khác liên quan đến trầm cảm nói chung”, ông Makarin nói.
Theo chuyên gia này, tác động đó không hề nhỏ. Trên toàn bộ dân số, việc triển khai Facebook khiến khoảng 2% sinh viên đại học bị trầm cảm. Con số này có vẻ khiêm tốn, nhưng với hơn 17 triệu sinh viên đại học tại Mỹ vào thời điểm đó, điều này có nghĩa là Facebook đã khiến hơn 300.000 thanh niên mắc chứng trầm cảm.
Đối với một cá nhân, trung bình, việc tương tác với Facebook làm giảm sức khỏe tinh thần của họ khoảng 22% so với tác động của mất việc. Đây là kết quả trong một phân tích tổng hợp do Makarin và nhóm của ông thực hiện.
“Đại dương” đối với trẻ em
Năm 2018, nhà nghiên cứu Matthew Gentzkow - Đại học Stanford (Mỹ) và cộng sự đã tuyển khoảng 2.700 người dùng Facebook từ 18 tuổi trở lên. Họ trả tiền cho khoảng một nửa người tham gia để hủy kích hoạt tài khoản Facebook trong bốn tuần. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã xem xét sự thay đổi sức khỏe tâm thần khi họ ngừng dùng Facebook.
Kết quả cho thấy, việc hủy kích hoạt Facebook khiến mọi người cảm thấy tốt hơn.
“Việc thoát khỏi Facebook có tác động tích cực đến kết quả hạnh phúc. Người dùng thấy hạnh phúc hơn, tăng sự hài lòng trong cuộc sống, cô đơn, khả năng trầm cảm và lo lắng thấp hơn”, ông Gentzkow cho biết.
Nhiều nhà khoa học chưa kết luận mạng xã hội là nguyên nhân chính gây ra những vấn đề sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng ở thanh thiếu niên và liệu đó có phải là nguyên nhân chính hay không.
“Có vẻ như là vậy - giống như một yếu tố chính, nhưng điều đó vẫn đang được tranh luận”, ông Alexey Makarin cho biết. Các dữ liệu khác cho thấy, trẻ em dành càng nhiều thời gian cho mạng xã hội thì nguy cơ mắc vấn đề sức khỏe tâm thần càng cao. Một số thanh thiếu niên có khả năng dễ bị tổn thương hơn trước mạng xã hội. Đặc biệt, trẻ em có thể dễ bị tổn thương hơn ở một số độ tuổi nhất định.
Các nhà tâm lý học nhận định, mạng xã hội đối với trẻ em cũng giống như đại dương. Đó có thể là một nơi cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em. Trước khi cho trẻ bơi ở bất kỳ vùng nước nào, cha mẹ cần đảm bảo rằng, con đã được chuẩn bị tốt và trang bị để xử lý những vấn đề phát sinh. Cha mẹ cần cung cấp áo phao an toàn, các bài học bơi, thường là ở vùng nước ít nguy hiểm hơn, thậm chí là giám sát sau đó.
Tiến sĩ tâm lý lâm sàng Lisa Damour, cố vấn cho phụ huynh và là tác giả của cuốn “The Emotional Lives of Teenagers” tại Mỹ cho biết, cha mẹ nên bắt đầu theo dõi việc sử dụng điện thoại của con mình ngay từ khi con trẻ có điện thoại.
“Thực tế, khi trẻ vị thành niên hoặc thanh thiếu niên vận động cha mẹ để có được chiếc điện thoại đầu tiên, phụ huynh có ảnh hưởng rất lớn đến các quy tắc nếu trẻ sử dụng thiết bị này. Tôi khuyến khích cha mẹ bắt đầu với nhiều hạn chế. Một số hạn chế đó sẽ được nới lỏng theo thời gian”, chuyên gia khuyến cáo.
Cả thanh thiếu niên và người lớn đều phụ thuộc vào công nghệ nhiều hơn cho việc học và thậm chí là công việc. Song, TS Damour cho biết, điều quan trọng là cha mẹ phải chú ý đến các dấu hiệu nghiện điện thoại ở tuổi vị thành niên.
“Tôi sẽ lo lắng nếu một người trẻ tuổi dường như không thể kiểm soát cảm xúc của mình hoặc khả năng ngủ vào ban đêm nếu không có điện thoại. Điều này có thể được ngăn chặn ngay từ đầu bằng một số quy tắc cơ bản xung quanh việc sử dụng điện thoại, chẳng hạn như cấm điện thoại trong phòng ngủ, bữa ăn, thời gian gia đình gặp mặt trực tiếp,... Nhưng nếu đã quá muộn và một người trẻ cảm thấy phụ thuộc vào điện thoại để cảm thấy bình tĩnh, thì đó là điều cần được xem xét nghiêm túc”, chuyên gia nhấn mạnh.
TS Damour khuyên các cha mẹ nên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không cần phụ thuộc vào bất kỳ thế lực bên ngoài nào (có thể là thuốc, người khác, điện thoại) để cảm thấy bình tĩnh hoặc an toàn về mặt cảm xúc.
Bà cho biết: “Nếu một thiếu niên không thể thực hiện các bước để hoạt động độc lập với điện thoại của mình, tôi sẽ yêu cầu cha mẹ đề nghị giúp người trẻ xây dựng các kỹ năng điều chỉnh cảm xúc hoặc tìm một chuyên gia có thể giúp trẻ làm như vậy”.