Theo AFP, năm 2015 có 29,7 triệu ca đẻ mổ trên thế giới, chiếm 21% tổng số ca sinh nở. Tỷ lệ này được cho là quá cao bởi chỉ 10-15% trường hợp thực sự cần đẻ mổ do biến chứng khi sinh. Năm 2000, số ca đẻ mổ là 16 triệu, chiếm 12% tổng số ca sinh nở.
Cộng hòa Dominica là quốc gia có tỷ lệ phụ nữ đẻ mổ cao nhất với 58%. Tiếp đến là Brazil, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 50%.
Bà Jane Sandall, giáo sư khoa học xã hội và sức khỏe phụ nữ tại Đại học King London (Anh), tác giả nghiên cứu cho biết có nhiều lý do khiến phụ nữ ngày càng đẻ mổ nhiều.
Đầu tiên, đó là do sự thiếu thốn hộ sinh để phòng ngừa và phát hiện các tai biến lúc sinh nở. Tiếp đó, nhìn chung, các chuyên gia y tế ít gặp phải rắc rối pháp lý nếu chọn đẻ mổ thay vì đẻ thường. Ngoài ra, nếu chọn đẻ mổ, cả bác sĩ lẫn bệnh viện đều được hưởng "ưu đãi về mặt tài chính".
Nghiên cứu của bà Sandall còn cho thấy khoảng cách giàu nghèo trong chăm sóc y tế. Ở một vài nước thu nhập thấp, số ca đẻ mổ dưới mức trung bình. Đối tượng đẻ mổ chủ yếu là phụ nữ giàu sống tại thành phố bởi người nghèo khó lòng tiếp cận dịch vụ này, dẫn đến sự chênh lệch ngay tại một đất nước. Ví dụ như Trung Quốc, tỷ lệ đẻ mổ dao động từ 4 đến 62% tùy khu vực.
Dù được nhiều cá nhân cho là cách sinh con dễ dàng hơn đẻ thường, đẻ mổ vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro. Các nhà khoa học chỉ ra tỷ lệ tử vong và tàn tật của người mẹ sau khi đẻ mổ cao hơn đẻ thường. Đẻ mổ cũng gây ra sẹo tử cung, từ đó dẫn đến chảy máu, mang thai ngoài tử cung, thậm chí sinh non hoặc thai nhi chết yểu trong bụng mẹ. Chưa kể, nhiều bác sĩ trẻ vì đẻ mổ mà mất tự tin vào khả năng đỡ đẻ tự nhiên.
Để hạn chế tình trạng trên, bà Sandall cùng cộng sự cho rằng cần giáo dục, tăng cường kỹ năng hộ sinh; cải thiện kế hoạch sinh nở, chỉ định đẻ mổ khi thực sự cần thiết đồng thời phổ biến cho bà bầu về các nguy cơ có thể xảy ra. "Đẻ mổ là một dạng phẫu thuật với nhiều rủi ro nên cần được xem xét một cách thận trọng", bà Sandall nhấn mạnh.