Đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu bảo hộ công dân tăng vọt

GD&TĐ - Do đại dịch COVID-19, nhu cầu bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài lớn chưa từng có, với số cuộc gọi đến tổng đài bảo hộ công dân tăng gần 200%.

Chính phủ đã triển khai trên 260 chuyến bay để đưa 73.000 công dân tại 59 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới về nước an toàn.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ thông tin trên với các phóng viên, nhà báo trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí thường niên, diễn ra sáng 24/12.

Theo Phó Thủ tướng, tình hình thế giới biến động nhanh chóng, đặc biệt đại dịch COVID-19 tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội, chính trị, kinh tế và đối ngoại, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị, Việt Nam thực hiện tốt "nhiệm vụ kép" vừa kiềm chế được dịch COVID-19, vừa giữ vững môi trường ổn định và phát triển kinh tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương.

Bên cạnh những chuyến thăm của lãnh đạo, quan chức cấp cao các nước đến Việt Nam, đã có trên 33 cuộc điện đàm trực tuyến của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam với hầu hết các đối tác quan trọng trên thế giới, cũng như các nước trong khu vực.

Về đa phương, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, các nước trong và ngoài khu vực đều chia sẻ, đánh giá Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA, cũng như năm đầu tiên là Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), với những kết quả cụ thể như tiếp tục củng cố sự gắn kết, đoàn kết cũng như vai trò trung tâm của ASEAN, thời đóng góp vào giải quyết những vấn đề trong khuôn khổ HĐBA.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đưa ra chủ đề đúng đắn, đó là “Gắn kết và chủ động thích ứng” nhằm tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN và thúc đẩy từng nước thành viên, cũng như cả khối thích ứng nhanh chóng với tình hình bên ngoài. Hoàn tất toàn bộ nội dung đề ra của năm Chủ tịch ASEAN với việc thông qua trên 80 văn kiện, trong đó tập trung vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN, đánh giá kiểm điểm giữa kỳ Kế hoạch tổng thể ASEAN, rà soát lại Hiến chương ASEAN, và xây dựng tầm nhìn cho ASEAN sau 2025.

ASEAN đã thông qua 28 sáng kiến do Việt Nam đề xuất, cho thấy những sáng kiến của Việt Nam đáp ứng được sự quan tâm chung của ASEAN.

ASEAN chứng tỏ khả năng thích ứng nhanh với tình hình dịch COVID-19, thể hiện qua việc tổ chức các hội nghị đặc biệt của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác để ứng phó với COVID-19; chính thức vận hành Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, hoàn thành xây dựng Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai; lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.

Đặc biệt, ASEAN cũng đã chuyển đổi nhanh chóng phương thức hoạt động trên tất cả các trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, và văn hóa-xã hội, thể hiện qua việc tổ chức trên 550 cuộc họp trực tuyến, trong đó có 20 cuộc họp cấp cao, 70 cuộc họp cấp bộ trưởng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đề xuất những nội dung mới trong chương trình nghị sự của ASEAN, như nêu cao vai trò của phụ nữ trong hòa bình và an ninh, hay tăng cường kết nối ASEAN với các tổ chức tiểu khu vực như hợp tác Mekong.

Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam mong muốn ASEAN tiếp tục gắn kết, đoàn kết và đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực để bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho các nước thành viên phát triển thịnh vượng.

Thúc đẩy đồng thuận trong HĐBA LHQ

Việt Nam đảm đương cương vị Thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ thứ hai với tâm thế lớn lao và vững vàng sau khi trúng cử với số phiếu cao kỷ lục trong lịch sử HĐBA, điều đó thể hiện các nước đặt lòng tin vào Việt Nam.

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả trong thúc đẩy đồng thuận tại HĐBA LHQ để giải quyết những vấn đề của khu vực và thế giới, trên nguyên tắc bảo đảm độc lập, tự chủ, tôn trọng luật pháp quốc tế và lợi ích của các nước trên thế giới.

Với vai trò Chủ tịch ngay trong tháng đầu tiên, Việt Nam đã thúc đẩy tổ chức phiên họp mở của HĐBA LHQ về việc tăng cường thực thi Hiến chương LHQ với sự tham dự đông đảo nhất trong vài năm qua tại HĐBA LHQ; HĐBA với một tổ chức khu vực là ASEAN, cũng như phát huy vai trò và hình ảnh của ASEAN tại LHQ.

Bên cạnh đó, chúng ta đã thúc đẩy những ưu tiên của Việt Nam, trong đó có vai trò của phụ nữ với hòa bình, an ninh thông qua việc tổ chức hội nghị toàn cầu vừa trực tiếp vừa trực tuyến, với sự tham gia của nhiều nước, nhiều diễn giả và đặc biệt Cam kết hành động Hà Nội được 30 nước đồng tác giả thông qua.

Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử tham gia LHQ, Việt Nam dự thảo và đưa ra thông qua tại LHQ lấy ngày 27/12 là Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh, với 106 nước đồng tác giả - một con số rất kỷ lục, đánh dấu sự vươn tầm của đối ngoại Việt Nam trên diễn đàn quốc tế.

Duy trì hòa bình, ổn định là mục tiêu xuyên suốt

Đề cập đến những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, mục tiêu xuyên suốt là duy trì môi trường hòa bình và ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo của đất nước.

Đối ngoại sẽ tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước láng giềng bằng những phương thức mới đạt hiệu quả cao.

Chủ động hội nhập quốc tế,thực hiện tốt trọng trách tại HĐBA, phát huy kết quả đạt được của năm Chủ tịch ASEAN 2020, tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do…

Phó Thủ tướng khẳng định công tác bảo hộ công dân cũng sẽ tiếp tục là một trong những trọng tâm trong năm tới.

Theo baochinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.