Thảo luận tại tổ chiều 23/7, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021, các giải pháp 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025
Theo Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh, trong bối cảnh tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, hiện vẫn chưa có ca nào lọt qua biên giới của Hà Giang.
Đại biểu cho rằng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã đưa ra 12 giải pháp rất toàn diện, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Về kịch bản tăng trưởng, theo đại biểu, kịch bản có tính dự báo, biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội. Kịch bản tăng trưởng lồng ghép với công tác phòng chống dịch. Nếu Việt Nam sản xuất và chủ động được nguồn vaccine thì sẽ rất tốt cho nền kinh tế.
Tuy nhiên cần có kịch bản rõ ràng, cụ thể hơn, nhấn mạnh đến vấn đề ưu tiên hỗ trợ cho người lao động và người dân, hỗ trợ sản xuất cho các doanh nghiệp như thế nào.
Từ định hướng Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đại biểu Đặng Quốc Khánh kiến nghị: cần có công tác quy hoạch, phải đảm bảo quy hoạch không chồng chéo. Bởi thực tế hiện nay vẫn còn thiếu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, thiếu nhà tư vấn quy hoạch, cần có định hướng quy hoạch đồng bộ, thống nhất. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu cho rằng cần thực hiện giám sát tối cao và có chỉ đạo thực hiện cụ thể về công tác quy hoạch.
Đại biểu Lê Văn Dũng (Đoàn Quảng Nam) khẳng định, trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ mới và các bộ ngành trung ương đã bắt tay nhanh, quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực, tin tưởng sự điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Kiến nghị 4 nội dung mà người dân còn nhiều trăn trở, đại biểu Lê Văn Dũng nêu: Thứ nhất, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, người dân mong muốn sớm được tiêm vaccine. Đây là mong muốn và bức xúc nhất của người dân hiện nay;
Thứ hai, liên quan đến lĩnh vực du lịch, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần quan tâm hơn đến chính sách miễn giảm thuế, phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhất là ở những địa phương gặp khó khăn.
Thứ ba, đại biểu mong muốn Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn đến các chương trình mục tiêu quốc gia ở Quảng Nam, một số cơ chế chưa phù hợp cần sớm khắc phục để đời sống người dân giảm bớt khó khăn;
Thứ tư, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm sửa đổi Nghị định 34 để tháo gỡ khó khăn cho cán bộ cấp xã, có cơ chế chính sách phù hợp để các cán bộ cấp xã yên tâm làm việc.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Lê Văn Dũng, đại biểu Dương Văn Phước – (Đoàn Quảng Nam) đề nghị, cần cải cách lại bộ máy Nhà nước để tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hợn. Quốc hội, Chính phủ cần giảm bớt bộ phận trung gian để tinh gọn bộ máy, đồng thời tăng cường tập trung nhiều hơn các chính sách cho các cơ sở.