Đào tạo lao động dịch vụ chất lượng cao: Nỗi lo “gánh nặng, đường xa”

GD&TĐ - Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu về đội ngũ công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên làm trực tiếp trong các ngành dịch vụ, Đà Nẵng xác định, đến năm 2020, số lao động qua đào tạo nghề trong các ngành khu vực dịch vụ phải đạt tỉ lệ 31,12%. 

Đào tạo lao động dịch vụ chất lượng cao:  Nỗi lo “gánh nặng,  đường xa”

Tuy nhiên, với thực trạng các cơ sở đào tạo nghề chủ yếu là ngắn hạn và tập trung vào các ngành đơn giản trong các ngành có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao chưa được chú trọng đầu tư như hiện nay, Đà Nẵng cần nhiều giải pháp đồng bộ tạo nên chính sách hỗ trợ đối với dạy và học nghề dịch vụ.

Bài toán cơ cấu ngành nghề đào tạo

Đà Nẵng hiện có 60 cơ sở dạy nghề trong đó có 6 trường CĐ nghề, tuyển sinh 43.711 HS năm 2014. Tuy nhiên, theo như phân tích của Sở LĐ,TB&XH Đà Nẵng thì các cơ sở đào tạo nghề chủ yếu là đào tạo ngắn hạn, chiếm đến 70%. 

Quy mô đào tạo của các cơ sở còn nhỏ, chỉ có khoảng hơn 10 cơ sở đủ sức đáp ứng đào tạo khoảng 1.000 đến 2.000 HSSV/năm, còn lại đa số chỉ từ 500 đến dưới 1.000 học viên/năm, thậm chí có cơ sở chỉ có quy mô dưới 100 em. 

Và cũng chỉ có khoảng 50% số cơ sở chuyên về đào tạo nghề, số còn lại hoặc vừa đào tạo các hệ khác, hoặc vừa sản xuất kinh doanh vừa tham gia đào tạo nghề.

Theo tính toán của Sở LĐ,TB&XH Đà Nẵng thì quy mô tuyển sinh trên cũng chỉ mới đáp ứng khoảng 60 - 70% nhu cầu nhân lực về số lượng lao động qua đào tạo nghề của thị trường lao động thành phố. 

Một số ngành nghề thuộc nhóm ngành kỹ thuật và dịch vụ như hàn công nghệ cao, công nghệ ô tô, lắp đặt điện, điện công nghiệp, dịch vụ nhà hàng, khách sạn… vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và cấp trình độ đào tạo.

Việc đào tạo chủ yếu chỉ phục vụ cho nhu cầu ngắn hạn của thị trường lao động. Ngành nghề đào tạo cũng chỉ thường tập trung vào các ngành đơn giản như điện dân dụng, cơ khí, gò hàn, may công nghiệp, lễ tân, khách sạn, buồng phòng, trồng nấm, nuôi cá nước ngọt, một số nghề dịch vụ thẩm mỹ… 

Các ngành có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao như bảo dưỡng, sửa chữa lắp ráp các thiết bị chính xác, cơ khí chế tạo máy, hàn công nghệ cao, các nghề thuộc lĩnh vực tự động hóa… chưa được chú trọng đầu tư về chất, trong khi đây lại là những ngành nghề mà các DN đang cần thì thường phải đào tạo lại lao động sau khi tuyển dụng.

Chính sách “kích cầu” cho dạy - học nghề dịch vụ

Có vẻ như Đà Nẵng rất quyết tâm khi triển khai Đề án “Đào tạo lao động dịch vụ chất lượng cao trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2020” bởi đây được xem là giải pháp để thực hiện thành công hai hướng đột phá của TP đến năm 2020.

Một trong những “đòn bẩy” cho phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao, theo thầy Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP Đà Nẵng - là cần phải có sự chỉ đạo nhất quán chung về trách nhiệm của các ngành các cấp tạo ra những chính sách ưu đãi, từ “chính sách đất đai phải có quy hoạch rõ ràng và thông báo công khai về mức độ ưu đãi đối với những trường trọng điểm, nghề trọng điểm; có nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với nghề trọng điểm; đầu tư mạnh nguồn lực cho các cơ sở đào tạo nghề công lập về cơ sở vật chất nghề trọng điểm theo lộ trình của các đề án phát triển”.

Công tác đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động dạy nghề và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dạy nghề cũng được chú trọng. Thành phố sẽ xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề.

Tuy nhiên, yếu tố người dạy và người học nhận được sự quan tâm hơn cả. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ cùng với cơ sở đào tạo nâng chuẩn giáo viên theo chương trình, giáo trình khu vực và quốc tế. 

Thành phố cũng xây dựng các chính sách thu hút lao động chất lượng cao trong nước và nước ngoài vào làm việc và tham gia đào tạo ở các cơ sở dạy nghề. 

Đà Nẵng cũng đã có riêng một đề án Phát triển giáo viên dạy nghề (GVDN) giai đoạn 2013 - 2020 với mục tiêu đến năm 2020, địa phương sẽ tuyển mới 484 GV, trong đó có 172 GV dạy CĐ, 204 GV dạy trung cấp và 108 GV dạy sơ cấp. 

Ngoài ra, 100% GVDN phải có trình độ chuyên môn đủ chuẩn, được đánh giá, cấp chứng nhận về kỹ năng nghề và có kỹ năng sư phạm dạy nghề.

Thầy Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP Đà Nẵng - thẳng thắn chỉ ra những bất cập: “Chương trình, giáo trình dạy nghề chưa được đầu tư kịp với nhu cầu của doanh nghiệp, đội ngũ giáo viên chưa đào tạo kịp với xu thế hội nhập…                                                                                                                                                  Đặc biệt, doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia cùng với nhiệm vụ dạy nghề như: Tham gia đào tạo thực hành, đặt hàng với cơ sở đào tạo, cung cấp nhu cầu dài hạn để có cơ sở lập kế hoạch đào tạo, tham gia thị trường cầu lao động… mà còn rất thụ động, tuyển chọn lao động khi có sẵn từ sự đào tạo của xã hội…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiết mục rap hề chèo mới lạ và thú vị tại sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'. Ảnh: Bình Thanh

Khi hề chèo mời gọi...

GD&TĐ - Dù trời tối và mưa, nhưng rạp Kim Mã (Hà Nội) vẫn gần như kín chỗ khi mở cửa đón khách tới sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'.