Thu hút người tài bằng chính sách cụ thể
Đại biểu Hồ Thị Vân kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách cụ thể nhằm thu hút người tài, khuyến khích, động viên những học sinh giỏi đăng ký thi vào các trường sư phạm có chất lượng cao. Cụ thể đó là, sự hỗ trợ, tạo điều kiện về nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập, nghiên cứu, v.v... Và có chính sách tuyển dụng một cách phù hợp.
Đặc biệt cần có chính sách tiền lương thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là đội ngũ nhà giáo. Cân nhắc điều chỉnh một số quy định liên quan đến chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên để đảm bảo công bằng và phù hợp hơn.
Đại biểu Hồ Thị Vân – dẫn giải: Chẳng hạn quy định về phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập theo Thông tư số 33 năm 2005 của Bộ GD&ĐT thì mức phụ cấp đối với hiệu trưởng trường THCS hạng 1, hạng 2, hạng 3 lần lượt là 0,55, 0,45 và 0,35. Đối với hiệu trưởng trường tiểu học hạng 1, hạng 2, hạng 3 lần lượt là 0,5, 0,4 và 0,3.
Đối với hiệu trưởng trường mầm non hạng 1, hạng 2, lần lượt là 0,5 và 0,35. Trong khi đó phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo quản lý giáo dục ở cấp huyện thực hiện theo quy định chung, tức là mức 0,3 đối với chức danh trưởng phòng và 0,2 đối với chức danh phó trưởng phòng, như vậy không phù hợp.
Đại biểu Hồ Thị Vân: Cần xem xét quy định mở rộng đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên |
Cần có chính sách phù hợp và tương xứng
“Giả sử điều động một đồng chí hiệu trưởng ở một trường THCS về làm lãnh đạo tại phòng GD&ĐT thì người ta chỉ được hưởng phụ cấp công vụ, còn lại phụ cấp chức vụ giảm, trong khi chức vụ, nhiệm vụ tăng lên.
Ngoài ra, họ còn không được hưởng phụ cấp thâm niên và nếu không phải trường đóng ở địa bàn 30a thì cũng mất cả phụ cấp đứng lớp. Còn đối với những giáo viên giỏi được rút về phòng làm chuyên viên là viên chức bình thường thì không được hưởng một khoản phụ cấp nào nếu không thuộc diện huyện 30a.
Quy định như vậy rõ ràng là bất hợp lý và chưa đủ để động viên, khuyến khích những người giỏi chuyên môn, có năng lực và kinh nghiệm ở các trường về công tác tại cơ quan quản lý giáo dục” - Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Vân nêu vấn đề.
"Cần xem xét quy định mở rộng đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên, bao gồm cả những công chức làm công tác quản lý giáo dục, có xuất phát điểm là nhà giáo, hoặc bảo lưu phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp cho những nhà giáo được điều chuyển lên cơ quan quản lý giáo dục để họ có thu nhập ổn định từ lương khi đang công tác.
Đồng thời cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định về chính sách một cách phù hợp và tương xứng đối với những người đang công tác trong lĩnh vực được xem là cuốn sách hàng đầu" - Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Vân.