Đại biểu cũng đề nghị Bộ GD&ĐT và các địa phương xem xét có kế hoạch triển khai biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trước các cổng trường.
Hậu quả nặng nề sau tai nạn giao thông
Liên quan đến an toàn giao thông, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh dẫn giải: Theo báo cáo Chính phủ về bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2017, cả 3 tiêu trí về tai nạn giao thông, số người chết, người bị thương đều giảm.
Ở đây cho thấy nỗ lực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương mang lại hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, từ ngày 16/11/2016 đến 15/11/2017 vẫn còn 20.880 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người. Với những hậu quả để lại sau tai nạn giao thông hết sức nặng nề.
“Hàng ngàn gia đình, cha mẹ không ai chăm sóc, con mồ côi cha, vợ không còn trẻ thì không biết sống thế nào, hàng ngàn người phải chịu cảnh tàn tật suốt đời và để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Hàng năm, chúng ta cũng có thể thấy những con số tương tự về thương vong như vậy. Nếu chúng ta không cố gắng làm hết sức mình thì chúng ta sẽ cảm thấy có lỗi với người dân, dù kết quả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương liên tục giảm qua các năm” - Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu thực trạng.
Tuy nhiên, theo Đại biểu Cảnh, việc bảo đảm an toàn giao thông vẫn cần phải làm thường xuyên, liên tục vì theo tôi không có luật nào tác động đến người dân thường xuyên liên tục như Luật Giao thông đường bộ vì từ sáng sớm ra đường đến tối mịt về nhà là chúng ta liên tục thực hiện các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Chỉ một chút sơ xuất, thiếu hiểu biết hay không chấp hành có thể để lại hậu quả nặng nề cho bản thân và gia đình.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh: Đề nghị Quốc hội cần xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 kế hoạch sửa đổi Luật Giao thông đường bộ |
Cần xem xét sửa đổi Luật Giao thông đường bộ
Trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 2017, việc triển khai trật tự an toàn giao thông những tháng đầu năm 2018 của Chính phủ dài 36 trang, dù đề xuất chỉ có 12 dòng nhưng 12 dòng đó là nội dung kiến nghị Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XIV liên quan đến công tác bảo đảm Luật An toàn giao thông, thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật An toàn giao thông đường bộ năm 2008.
“Theo tôi, đây là đề xuất rất hợp lý, Quốc hội cần xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Giao thông đường bộ liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, tôi đề nghị nếu sửa đổi Luật giao thông đường bộ cần đưa hết các quy định liên quan tới quyền, lợi ích của công dân ở các nghị định, thông tư và Luật Giao thông đường bộ” - Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh.
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Luật có thể điều chỉnh mỗi năm để người dân khi tham gia giao thông luôn được bảo đản an toàn ở mức độ cao nhất có thể, đại biểu quốc hội cũng có điều kiện để thường xuyên, liên tục đưa các đề xuất của cử tri vào trực tiếp trong luật mà không phải kiến nghị và đợi chờ các bộ, ngành điều chỉnh các văn bản dưới luật.
Vì những lý do trên, một lần nữa Đại biểu Cảnh đề nghị Quốc hội cần xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, kế hoạch sửa đổi Luật Giao thông đường bộ để làm sao số tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương phải ngày càng giảm và giảm nhanh nhất có thể.