Tôi cho bạn mượn xe để đi học, bạn phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ bị công an giữ lại. Do không trình được giấy tờ xe cũng như bằng lái nên xe tôi bị tạm giữ, phạt gần 2 triệu đồng. Bạn tôi không chịu đi nộp phạt, vậy tôi có phải nộp phạt mới lấy được xe về không?
Nghị Định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Điều 76. Thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
1. Trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính theo các điểm, khoản tương ứng của Điều 30 Nghị định này.
2. Trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào hành vi vi phạm để lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện và tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và được chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện.
Trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành tạm giữ phương tiện để bảo đảm cho việc xử phạt đối với chủ phương tiện.
Chủ phương tiện bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này là một trong các đối tượng sau đây:
a) Cá nhân, tổ chức đứng tên trong Giấy đăng ký xe.
Về thủ tục nộp phạt vi phạm hành chính
Căn cứ vào Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 cùng thực tế các bước nộp phạt như sau:
Bước 1: Người đi nộp phạt đến Đội/Phòng cảnh sát giao thông đã lập biên bản vi phạm theo đúng ngày hẹn trong biên bản để nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Khi đi, cần mang theo:
+) Chứng minh thư nhân dân (bản chính);
+) Biên bản vi phạm hành chính.
Bước 2: Đội/Phòng cảnh sát giao thông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Người đi nộp phạt đem theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến Kho bạc nhà nước; hoặc Ngân hàng được Kho bạc nhà nước ủy quyền thu tiền phạt vi phạm giao thông để nộp phạt;
Bước 3: Đem theo biên lai thu tiền được Kho bạc nhà nước; hoặc Ngân hàng giao quay lại Đội/Phòng cảnh sát giao thông đã ra quyết định xử phạt để nhận lại phương tiện hoặc giấy tờ bị tạm giữ.
Căn cứ theo quy định trên, bạn là chủ phương tiện tiến hành nộp phạt và lấy xe về sau đó đề nghị bên mượn xe bồi thường.