Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ giấy chuyển viện

GD&TĐ - Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội), việc đi khám bệnh, bệnh nhân phải xin giấy chuyển viện là phiền toái, mất thời gian.

Đại biểu Quốc hội - Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội).
Đại biểu Quốc hội - Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội).

Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, cử tri có ý kiến rất nhiều về việc đi khám bệnh, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là rất phiền toái, mất thời gian.

Hiện, công nghệ thông tin đã tiến bộ và việc liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã khá thông suốt.

"Hiện tại, hơn 93% dân số Việt Nam đã có BHYT thì việc có thêm barrier (rào chắn) đi xin giấy chuyển viện rất nên được bãi bỏ", đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Đại biểu cũng đề nghị đẩy mạnh thông tuyến, thực chất hơn nữa và trong lần sửa đổi Luật BHYT tới phải làm sao để người có BHYT muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc...

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, về tổng mức thanh toán hay giới hạn chi quỹ BHYT của cơ sở khám chữa bệnh trong thời gian 1 năm đã được điều chỉnh bằng Nghị định 75/2023 của Chính phủ.

Có nghĩa là các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT sẽ được thanh toán theo nhu cầu thực tế, cơ sở y tế cung cấp dịch vụ nào, thuốc, hóa chất, vật tư gì sẽ được thanh toán thứ đó.

Việc ban hành nghị định này đã chấm dứt sự phiền hà trong công tác khám chữa bệnh đã "dùng dằng" nhiều năm qua. Cần tiếp tục giám sát, thúc đẩy để nội dung nghị định triển khai thực chất, không bị biến chất.

Về bổ sung các loại thuốc vào danh mục BHYT, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị, các bệnh nam khoa đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào phân loại bệnh tật quốc tế phải được BHYT thanh toán thuốc.

Lần sửa đổi Luật BHYT sắp tới nên lưu ý danh mục thuốc được BHYT bởi điều trị bằng thuốc gì, phác đồ nào là do căn cứ tình trạng bệnh tật, mức độ bệnh, kinh nghiệm, tiến bộ y tế học thế giới... Qua đó, nhằm đạt kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.

Danh mục thuốc, phác đồ nên để cho ngành Y cùng cơ sở y tế, Bộ Y tế quyết định sử dụng. Bệnh nhân dùng thuốc, phác đồ nào, nếu đúng, hiệu quả... thì BHYT thanh toán đúng như vậy.

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, giấy chuyển viện nhằm đảm bảo hệ thống y tế bền vững, tránh quá tải vào một tuyến.

Luật Khám bệnh chữa bệnh 2009 quy định có 4 cấp chuyên môn kỹ thuật trong hệ thống bệnh viện. Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 còn 3 cấp bệnh viện.

Bộ trưởng Y tế - Đào Hồng Lan.

Bộ trưởng Y tế - Đào Hồng Lan.

Việc phân cấp này nhằm xác định mức khám chữa bệnh căn cứ điều kiện, khả năng đáp ứng, tình trạng người bệnh.

Từ năm 2014, người bệnh phải chuyển tuyến theo tuần tự từ dưới lên trên. Tuy nhiên, đến năm 2016, các bệnh viện tuyến huyện đã được thông tuyến.

Năm 2021, thông tuyến BHYT nội trú bệnh viện tuyến tỉnh toàn quốc (người có thẻ BHYT điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước được hưởng quyền lợi như đúng tuyến).

Như vậy, vấn đề tạo thuận lợi cho người dân khi chuyển tuyến cơ bản được giải quyết.

"Vấn đề còn lại là người dân có được chuyển thẳng từ bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, lên Trung ương hay không? Bộ Y tế đang nghiên cứu dùng giấy chuyển tuyến điện tử và hồ sơ khám chữa bệnh điện tử để giảm thủ tục", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.