Đại biểu Quốc hội: Đã có những bộ SGK tốt được thực hiện từ chủ trương xã hội hóa

Đại biểu Quốc hội: Đã có những bộ SGK tốt được thực hiện từ chủ trương xã hội hóa

* Phóng viên: Với những bước đầu triển khai xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản SGK, đại biểu đánh giá như thế nào về chủ trương này?

- Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Chúng ta đã thực hiện cải cách giáo dục cách đây hàng chục năm. Quá trình thực hiện đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng cũng có những vấn đề chưa đạt được như kỳ vọng. Vì thế, ngành Giáo dục cần rút ra bài học kinh nghiệm để điều hành thật tốt và hiệu quả, đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri cả nước.

Liên quan đến xã hội hóa SGK, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội thảo với sự tham gia, góp ý của nhiều nhà khoa học, nhà giáo có kinh nghiệm. Qua đó, thể hiện vai trò, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong vấn đề này.

Xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản SGK là chủ trương đúng, phù hợp với thực tiễn khách quan. Tuy nhiên, GD-ĐT là lĩnh vực quan trọng, có liên quan đến mọi người, mọi nhà, nên trong quá trình thực hiện, xã hội cần kiểm soát chặt chẽ, với các giải pháp khoa học để không ảnh tiêu cực đến ngành Giáo dục.

Đặc biệt, tuyệt đối tránh việc lợi dụng xã hội hóa để thực hiện sai mục đích, làm mất lòng tin của phụ huynh, học sinh. Nói cách khác, xã hội hóa càng tốt thì chúng ta càng phải kiểm soát chặt chẽ.

Đại biểu Quốc hội: Đã có những bộ SGK tốt được thực hiện từ chủ trương xã hội hóa ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương

* Nghị quyết 88 của Quốc hội có giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK, tuy nhiên, hiện nay xã hội hóa biên soạn SGK đang được thực hiện tốt. Vậy theo đại biểu, chúng ta có cần thiết thêm bộ SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn?

- Hiện nay, việc xã hội hóa biên soạn SGK đang được thực hiện tốt. Cụ thể: Đợt thẩm định SGK năm 2019, 3 NXB đã gửi 5 bộ SGK gồm 49 đầu sách của đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 về Bộ GD&ĐT đề nghị thẩm định. 

Với sự đầu tư công phu, chất lượng, từ nội dung đến hình thức, kết quả đã có 46 SGK được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đánh giá “Đạt”.

Việc biên soạn các bộ SGK lớp 2 và lớp 6, thời gian qua đã được các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện; một số bộ cơ bản đã hoàn thiện để tới đây gửi Bộ GD&ĐT thẩm định.

Tôi cho rằng, đã xã hội hóa sách giáo khoa rồi thì nên thực hiện thí điểm các bộ sách đó. Sau 3-5 năm thì tổ chức tổng kết, đánh giá thực tiễn để rút kinh nghiệm. Khi đó, nếu thấy bất cập và cần thiết thì chúng ta có thể điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn dạy – học.

Như vậy, việc Bộ GD&ĐT biên soạn, xuất bản một bộ SGK nữa là không nên, vì có thể dẫn đến những phát sinh không mong muốn: Chẳng hạn như vấn đề cạnh tranh giữa giữa các tổ chức, cá nhân đang thực hiện xã hội hóa.

Ở góc độ nào đó, sẽ có những nghi ngại bộ SGK do Bộ GD&ĐT chủ trì sẽ làm “triệt tiêu” chủ trương xã hội hóa biên soạn, xuất bản SGK đang thực hiện tốt như hiện nay.

Thứ nữa, nếu Bộ biên soạn SGK, chắc chắn sẽ phải sử dụng ngân sách của Nhà nước, trong khi đó chúng ta đã có những bộ sách tốt được thực hiện từ chủ trương xã hội hóa. Điều này là lãng phí!

Xin cảm ơn đại biểu!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ