Đại biểu Quốc hội: cần ưu tiên hoàn thành các tuyến quốc lộ kết nối với vùng Tây Nguyên

GD&TĐ - Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên hoàn thành tuyến đường cao tốc phía Đông, các tuyến quốc lộ kết nối với vùng Tây Nguyên.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định). Ảnh: Quốc hội.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định). Ảnh: Quốc hội.

Chủ động nắm bắt thời cơ

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) đánh giá nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã có những quyết sách quan trọng, với trí tuệ, quyết tâm, nỗ lực và từ đó đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm nền tảng cho một giai đoạn phát triển mới, bền vững của đất nước.

Với những diễn biến mới của tình hình, đại biểu chia sẻ lo ngại của cử tri về thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong huy động nguồn lực để đảm bảo chủ động ứng phó với những tình huống xấu từ biến đổi khí hậu, thiên tai thảm họa, đứt gãy chuỗi cung ứng những thách thức an ninh phi truyền thống.

Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa trong công tác nắm bắt thông tin, dự báo tình hình, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động nắm bắt thời cơ vượt qua thách thức để 100 triệu người dân Việt Nam có cuộc sống bình yên hạnh phúc. Đảm bảo sự phát triển bền vững và thịnh vượng của dân tộc Việt Nam, nâng cao vị thế, vai trò đất nước trên trường quốc tế.

Theo đại biểu, thời gian qua, với sự đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ, cả nước đã và đang triển khai rất nhiều dự án giao thông trọng điểm, có vai trò dẫn dắt và làm nền tảng, động lực cho sự phát triển. Tuy nhiên đối với khu vực duyên hải Nam Trung bộ, do điều kiện địa lý nằm cách xa hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước, chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạ tầng giao thông kết nối giữa các tỉnh, các vùng kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Việc bố trí các kế hoạch đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là về giao thông, của khu vực này chưa được quan tâm đúng mức. Tại các địa phương, trong đó có Bình Định,giống như một đại công trường trường với rất nhiều công trình dự án đã và đang thực hiện dang dở,  gặp rất nhiều khó khăn về bố trí nguồn vốn thực hiện.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ra soát tổng thể các công trình, dự án đang thực hiện, kể cả trong kế hoạch, còn nợ vốn, chưa bố trí được vốn, để có kế hoạch giải pháp đồng bộ, quyết liệt huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả, tránh lãng phí.

Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối giữa các tỉnh và giữa khu vực với các vùng kinh tế trọng điểm khác trong cả nước. Trong đó ưu tiên hoàn thành tuyến đường cao tốc phía Đông, các tuyến quốc lộ kết nối với vùng Tây Nguyên .

Sớm cân đối điều chỉnh nguồn lực đầu tư

Đại biểu Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông)
Đại biểu Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông)

Cùng quan điểm, đại biểu Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông) cho rằng trong Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ cần bổ sung những hạn chế về liên kết giao thông ở vùng Tây Nguyên, từ đó có những giải pháp phù hợp để giúp Tây Nguyên có mạng lưới giao thông phát triển.

Đại biểu Võ Đình Tín nói: "Báo cáo của Chính phủ cho thấy, sự liên kết phát triển kinh tế xã hội vùng chưa được cao, các liên kết nội vùng còn bất cập. Một số dự án trọng điểm còn chậm, hạ tầng giao thông nhất là ở miền núi phía bắc, ĐBSCL chưa đáp nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.  Tôi cho rằng, cần bổ sung vùng Tây Nguyên. Vì Tây Nguyên cũng là địa bàn rất cần đầu tư hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm báo an ninh quốc phòng".

Theo ông Tín,Tây Nguyên hiện nay chỉ có Quốc lộ 14 để kết nối với các vùng lân cận, nhưng Quốc lộ này đang bị quá tải gây khó khăn trong việc lưu thông vận chuyển hàng hóa.

"Nếu Tây Nguyên không được quan tâm đúng mức về giao thông sẽ ảnh hưởng rất lớn về liên kết nội vùng và liên vùng. Điều này sẽ có nguy cơ tụt hậu về kinh tế xã hội so với các vùng khác", ông Tín nêu quan điểm

Đại biểu Võ Đức Tín kiến nghị Quốc hội khóa XV tới, Chính phủ nhiệm kỳ tới sớm cân đối điều chỉnh nguồn lực đầu tư, nâng cấp phát triển mạng lưới giao thông đường bộ cho các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2021 -2026, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc kết nối với các vùng lân cận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.