Đại biểu lo ngại kẽ hở pháp luật trong việc điều chuyển, sử dụng cán bộ

GD&TĐ - Có thể là một kẽ hở pháp luật trong việc điều chuyển, sử dụng cán bộ, nếu chúng ta không chặt chẽ vấn đề này.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Liên quan đến chuyển đổi vị trí công tác nhằm hướng tới mục tiêu là phòng ngừa tham nhũng; Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh – Đoàn Bình Định – cho rằng, vấn đề đặt ra là trong cùng một câu chuyện về chuyển đổi vị trí công tác nhằm hướng tới mục tiêu là phòng ngừa tham nhũng thì đối với cán bộ không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý thì ta xem rằng đó là hành vi để ngăn ngừa.

“Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý có chức vụ, trong khi đó tôi đồng tình với nhiều phân tích cho rằng, đây là đối tượng có khả năng tham nhũng nhiều hơn thì lại có thể biến tướng dưới dạng luân chuyển cán bộ. Như vậy, tôi thấy trong tư duy và cảm nhận có gì đó không được tường minh ở đây” - Đại biểu Lý Tiết Hạnh thẳng thắn nói.

Cũng theo Đại biểu Lý Tiết Hạnh, trong cùng một vấn đề đặt ra, đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý thì chúng ta xem xét xử lý theo Luật Phòng, chống tham nhũng.

Còn đối với đối tượng giữ chức vụ lãnh đạo quản lý chúng ta lại điều chỉnh bởi một hoặc một số văn bản dưới luật. Như vậy, trong thực hiện sẽ không thống nhất.

Vì vậy, đối với nội dung này tôi đề nghị quy định rõ việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với người có chức vụ trong luật.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh: Cần có quy định chặt chẽ hơn về các trường hợp phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác
Đại biểu Lý Tiết Hạnh: Cần có quy định chặt chẽ hơn về các trường hợp phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác

Đồng tình việc chuyển đổi vị trí công tác là một biện pháp quan trọng để phòng ngừa tham nhũng; Đại biểu Lý Tiết Hạnh – cho rằng, cần tính toán kỹ, chặt chẽ, hiệu quả quy định này ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, các lĩnh vực, ngành nghề định kỳ phải chuyển đổi như trong quy định trong dự thảo. Chúng tôi thấy trong thực tế ở nhiều cơ quan những vị trí công tác này phần lớn là những người làm chuyên môn sâu, đòi hỏi vững vàng, có kinh nghiệm, phải quen việc, thạo việc.

Nếu trong điều kiện bình thường mà phải thường xuyên thực hiện chuyển đổi vị trí công tác thời gian ngắn như trong khung đề ra từ 2-5 năm, trường hợp đặc biệt không vượt quá 10 năm, điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và thời gian tiếp cận công việc của cán bộ, công chức, viên chức, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc.

“Vấn đề này liên quan đến việc chúng ta đang thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực thi công vụ. Nếu vì việc này làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của các cơ quan công quyền đối với người dân, chúng ta cần xem xét một cách cụ thể’ - Đại biểu Lý Tiết Hạnh phân tích.

Theo Đại biểu Lý Tiết Hạnh, có thể là một kẽ hở pháp luật trong việc điều chuyển, sử dụng cán bộ, nếu chúng ta không chặt chẽ vấn đề này, có thể trong thời hạn đó, người luân chuyển rất nhanh, có người luân chuyển lâu hoặc tôi không thích anh, tôi luân chuyển anh đi và đưa người khác về, chưa chắc người đó đã đảm bảo các tiêu chuẩn phù hợp với mục tiêu chúng ta đề ra trong quy định này.

“Vì vậy tôi đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn về các trường hợp phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, trong đó lưu ý các biện pháp đồng bộ như đánh giá cán bộ, nắm tình hình dư luận nhân dân, phản ảnh của doanh nghiệp, v.v.. làm sao để tránh sự áp dụng tùy nghi, thiếu thống nhất” - Đại biểu Lý Tiết Hạnh trao đổi.

“Tôi nghiên cứu trong dự thảo luật chưa thấy khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không tốt hoặc lợi dụng việc điều chuyển vị trí công tác để trù dập thì xử lý như thế nào? Đây là vấn đề trong thực tế dễ xảy ra. Vì vậy, tôi đề nghị cần bổ sung các quy định chế tài đủ mạnh vào dự thảo luật để đảm bảo tính nghiêm minh hiệu quả của luật” - Đại biểu Lý Tiết Hạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ