Đại án chuyến bay 'giải cứu' và ngón đòn moi tiền 'đồng hương'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ Công an đề nghị truy tố do có liên quan đến đại án chuyến bay 'giải cứu' có 4 bị can là cựu cán bộ Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Malaysia.

Nhân viên an ninh sân bay Nội Bài hướng dẫn hành khách về các khu cách ly tập trung theo quy định.
Nhân viên an ninh sân bay Nội Bài hướng dẫn hành khách về các khu cách ly tập trung theo quy định.

Trong số 54 bị can bị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đề nghị truy tố do có liên quan đến đại án chuyến bay “giải cứu” có 4 bị can là cựu cán bộ Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Malaysia.

“Luộc” tiền của những người mãn hạn tù

Các bị can này gồm: Trần Việt Thái (cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia), Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương cùng là cựu cán bộ ĐSQ Việt Nam tại Malaysia.

Những người này bị đề nghị truy tố cùng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Theo kết luận, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan chức năng nhận được đơn tố cáo các cán bộ ĐSQ Việt Nam tại Malaysia có hành vi thu tiền trái quy định của công dân Việt Nam trong quá trình tổ chức các chuyến bay “giải cứu”. Họ là những người Việt Nam đã chấp hành xong án phạt tù (mãn hạn tù) nhưng chưa thể về nước do dịch bệnh.

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra, tháng 4/2020, Chính phủ Việt Nam cho phép thực hiện các chuyến bay “giải cứu” đưa công dân hồi hương. Ông Trần Việt Thái là người chỉ đạo và chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức các chuyến bay này tại Malaysia.

Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, ĐSQ Việt Nam tại Malaysia đã tổ chức 21 chuyến bay “giải cứu” đưa công dân Việt Nam từ Malaysia về nước. Trong đó, khoảng thời gian từ tháng 5/2021 đến tháng 1/2022, ĐSQ Việt Nam tại Malaysia đã tổ chức 8 chuyến bay đưa 1.891 người đã chấp hành xong án phạt tù tại Malaysia về nước và cách ly tại các cơ sở tập trung của quân đội.

Theo kết luận điều tra, bị can Trần Việt Thái đã phân công, chỉ đạo Nguyễn Hoàng Linh và Nguyễn Lê Ngọc Anh chịu trách nhiệm chính tổ chức chuyến bay. Nhiệm vụ của Linh và Ngọc Anh là đi khảo sát tại các trại chờ để nắm được số lượng công dân, từ đó xây dựng kế hoạch, phương án, đề xuất kinh phí thực hiện.

Cụ thể hơn, Ngọc Anh thực hiện kết nối chủ ghe, chủ tàu, chủ sử dụng lao động, người nhà của người mãn hạn tù để yêu cầu nộp chi phí đưa người về nước. Nguyễn Hoàng Linh phụ trách công tác liên hệ, tổ chức đi thăm các trại, phối hợp với Cục Nhập cư, các trại chờ của Malaysia trong quá trình tổ chức chuyến bay.

Hai bị can này cùng Đặng Minh Phương (cán bộ kế toán ĐSQ Việt Nam tại Malaysia) phối hợp thực hiện giám sát, quản lý thu, chi kinh phí tổ chức chuyến bay trong khi các cán bộ còn lại của ĐSQ Việt Nam tại Malaysia phối hợp hỗ trợ một số công việc cụ thể khi có yêu cầu.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ngọc Anh, Linh và Phương thảo luận, thống nhất mức thu tiền, sau đó báo cáo, đề xuất Trần Việt Thái quyết định thu của mỗi người mãn hạn tù mức tiền là 20,3 triệu đồng.

Đối với những người không có hộ chiếu, ông Trần Việt Thái chỉ đạo thu số tiền gần 25 triệu đồng/người (trong đó, mức thu lệ phí cấp hộ chiếu là hơn 4,6 triệu đồng/cuốn). Những người ở đảo xa cần mua vé máy bay để về thủ đô được Thái chỉ đạo thu ở mức 30 - 35 triệu đồng/người.

Tổ chức 8 chuyến bay, bỏ túi số tiền lớn

Bị can Trần Việt Thái, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia.

Bị can Trần Việt Thái, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia.

Sau khi thống nhất, ĐSQ Việt Nam tại Malaysia thông báo mức thu tiền nói trên cho những người mãn hạn tù và người thân, chủ lao động để họ nộp cho Nguyễn Hoàng Linh cùng cán bộ ĐSQ trực tiếp đến các trại chờ lập danh sách công dân Việt Nam, phỏng vấn, xác minh nhân thân để làm thủ tục cấp hộ chiếu rút gọn cho họ về nước.

Để cùng thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát, quản lý số tiền thu được trong khi tổ chức các chuyến bay “giải cứu”, Nguyễn Lê Ngọc Anh lập nhóm Zalo có sự tham gia của Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương và As Na Huy.

Đến tháng 11/2021, sau khi tổ chức được 4 chuyến bay, do kết thúc nhiệm kỳ nên Đặng Minh Phương về nước. Trần Việt Thái phân công, chỉ đạo Nguyễn Lê Ngọc Anh tiếp tục phụ trách quản lý việc thu, chi 4 chuyến bay còn lại.

Theo kết luận, tổng số tiền các bị cáo đã thu được của người thân hoặc chủ lao động của những người mãn hạn tù là 44,6 tỷ đồng. Số tiền thu được này, các bị can khai nhận sử dụng khoảng 33 tỷ đồng để chi phí cho việc tổ chức 8 chuyến bay.

Đối trừ đi các chi phí tổ chức chuyến bay, số tiền còn lại là 11,6 tỷ đồng, Trần Việt Thái chỉ đạo sử dụng 1,15 tỷ đồng để chi phí hỏa táng cho những người mãn hạn tù tử vong vì Covid-19.

Tuy nhiên, việc hỏa táng đã diễn ra trước khi thực hiện các chuyến bay “giải cứu” nên không được chấp nhận. Ngoài ra, Thái chỉ đạo sử dụng 5,45 tỷ đồng chi cho các bị can và các cán bộ, nhân viên ĐSQ Việt Nam tại Malaysia.

Trong đó, Trần Việt Thái được hưởng 580 triệu đồng, Nguyễn Lê Ngọc Anh và Nguyễn Hoàng Linh được hưởng 480 triệu đồng còn Đặng Minh Phương được hưởng 220 triệu đồng.

Số tiền còn lại khoảng 5 tỷ đồng đã thu của người mãn hạn tù, Trần Việt Thái giao cho thủ quỹ Dương Hương Ly quản lý tại ĐSQ Việt Nam ở Malaysia. Ngày 28/3, Dương Hương Ly đã giao nộp lại toàn bộ số tiền trên cho cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ của Nguyễn Lê Ngọc Anh số tiền 750 triệu đồng. Bị can này cũng đã có đơn xin nộp tiền khắc phục hậu quả trong số tiền cơ quan điều tra đã thu giữ.

Các bị can Trần Việt Thái, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương đã nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính. Ngoài ra, Trần Việt Thái còn tự ứng số tiền 5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho số tiền còn lại do thủ quỹ Dương Hương Ly quản lý ở ĐSQ.

Cơ quan điều tra cáo buộc, quá trình tổ chức 8 chuyến bay “giải cứu” trên, bị can Trần Việt Thái đã chỉ đạo các thuộc cấp là Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương thu tiền công dân qua tài khoản của cá nhân mà không thông qua tài khoản của ĐSQ và tài khoản Quỹ Bảo hộ công dân theo quy định.

Các bị can cũng bị cáo buộc đã không công khai các khoản thu, chi với công dân đã nộp tiền cho ĐSQ Việt Nam tại Malaysia; thu, nộp, quản lý tiền lệ phí cấp hộ chiếu trái quy định của pháp luật; thu tiền cao hơn chi phí thực tế, sau đó sử dụng một phần để chia nhau, hưởng lợi bất chính, gây thiệt hại về tài sản là 11,6 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.