Đặc sản địa phương: Bao giờ xây dựng được thương hiệu?

GD&TĐ - Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn những mục tiêu lớn phải hướng tới nhằm hoàn thiện và không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trên trường quốc tế. 

Đặc sản địa phương: Bao giờ xây dựng được thương hiệu?

Vì vậy, xây dựng thương hiệu quốc gia (THQG) cho sản phẩm vùng, miền là việc làm cấp bách và cũng cần có một chiến lược lâu dài. Bởi Việt Nam tuy có nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng, nhưng vì thiếu sự chăm chút và đầu tư đúng mức về bao bì, thương hiệu nên chưa tạo được giá trị tăng cao cho sản phẩm...

Chỉ dừng lại ở chỉ dẫn địa lý

Theo Bộ Công Thương, vấn đề xây dựng THQG ngày một “nóng” trên thế giới. Mục tiêu của việc xây dựng THQG cho sản phẩm địa phương nhằm khẳng định giá trị sản phẩm, hình ảnh thương hiệu, tạo cơ sở mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Hiện, có hơn 80 quốc gia triển khai chương trình này. Ở khu vực Đông Nam Á, trừ Lào và Campuchia, các quốc gia đều trong giai đoạn thực thi chương trình. Ở Việt Nam, các địa phương đã nỗ lực kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng hình ảnh về địa phương, vùng, miền gắn với chỉ dẫn địa lý...

Chương trình “THQG” ra đời có mục tiêu xây dựng thương hiệu tầm quốc gia cho từng sản phẩm nổi tiếng ở các địa phương, được địa phương, doanh nghiệp (DN), người sản xuất hưởng ứng. Đến nay, cả nước đã chọn hơn 100 sản phẩm tiêu biểu quốc gia. Nhận thức rõ tầm quan trọng của thương hiệu trong thương mại hiện đại, hiện có khá nhiều mặt hàng nông sản đã xây dựng được thương hiệu nhưng chỉ tồn tại dưới dạng chỉ dẫn địa lý, chứ chưa nâng tầm thành thương hiệu đặc trưng của một quốc gia.

Về trái cây có thể kể đến nhãn xuồng cơm vàng, vải thiều Thanh Hà, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, thanh long Bình Thuận, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, nhãn lồng Phố Hiến, quýt đường Trà Vinh, chôm chôm Chợ Lách, kẹo dừa Bến Tre… Thủy hải sản có tôm sú, tôm càng xanh, cá tra, cá ngừ đại dương, nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết... Ở mặt hàng gạo cũng có hơn 20 loại gạo đặc sản như nàng thơm Chợ Đào (Long An), gạo tám Hải Hậu, gạo thơm lộc trời, hạt ngọc trời, gạo Ngọc Đồng, hương lúa, gạo hữu cơ hoa sữa, gạo thơm ST, gạo thơm Bảy Núi, gạo thơm Điện Biên...

Cần chiến lược dài hơi

Để xây dựng THQG cho sản phẩm, theo các chuyên gia thì chỉ có sự nỗ lực của DN chưa đủ, mà cần có sự liên kết của nhiều phía. Có thể thấy rõ qua bài học thương hiệu của hàng Thái. Sức mạnh thương hiệu chung của hàng hóa Thái Lan được xây dựng là nhờ nội lực của nhiều bên gắn kết, hỗ trợ nhau, trong đó phải kể đến vai trò của chính phủ Thái Lan.

Theo các chuyên gia, Việt Nam muốn xây dựng và phát triển thương hiệu vùng, miền thì cần thiết phải triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, chú trọng xây dựng và triển khai chiến lược đầu tư, phát triển sản xuất; quy hoạch vùng ổn định, hiệu quả và bền vững dựa trên mối quan hệ giữa sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp địa phương với con người và môi trường xã hội, theo hướng nâng cao chất lượng, phát huy lợi thế cạnh tranh của sản phẩm chủ lực, dịch vụ hàng đầu; áp dụng công nghệ sinh học về giống cây con, quy trình chăm sóc, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, cho ra sản phẩm sạch, giá hợp lý. Đồng thời, tập trung nghiên cứu thị trường, xác định xu hướng tiêu dùng, giá cả từng loại sản phẩm...

Đồng thời xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam cho sản phẩm được công nhận THQG, vùng, miền để các DN thực hiện; gắn logo vào những sản phẩm đạt chuẩn, có chỉ dẫn địa lý; tuyên truyền thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội chợ trong, ngoài nước để giới thiệu thương hiệu sản phẩm... Đặc biệt, thông qua các dự án hợp tác, hỗ trợ thương mại của các tổ chức quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng, bảo vệ thương hiệu.

Có thể khẳng định, hành trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vùng, miền còn nhiều gian nan. Nhiều sản phẩm địa phương chưa có thương hiệu, mạnh ai nấy làm, khó vào được kênh phân phối lớn. Việc xây dựng, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm địa phương còn nhiều bất cập. Vì vậy, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu vùng, miền vừa là vấn đề cấp thiết trước mắt, vừa đòi hỏi chiến lược lâu dài, với nỗ lực của các ngành, địa phương.

Để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên sân nhà và vươn tầm ra thị trường quốc tế, các chuyên gia cho rằng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật để xây dựng và bảo hộ thương hiệu. Đồng thời, để đảm bảo tính bền vững cần xây dựng và phát triển thương hiệu dưới 2 góc độ là tài sản riêng của DN và tài sản chung của cộng đồng, của địa phương, vùng miền. Chỉ khi nào chúng ta gắn kết hài hòa giữa lợi ích của DN và lợi ích quốc gia thì sản phẩm, thương hiệu mới có sức sống và phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ