Đặc sắc không gian văn hoá “Netsuke - Nhật Bản” những ngày đầu xuân

GD&TĐ - Tại Trung tâm giao lưu văn hoá Nhật Bản (Hà Nội) đang trưng bày 65 tác phẩm netsuke của 64 nghệ nhân tiểu biểu. Hoạt động này đã thu hút nhiều bạn trẻ đến chiêm ngưỡng một nét đẹp văn hoá độc đáo của người Nhật.

Nhiều người dân Thủ đô đến với không gian văn hoá đặc sắc của Netsuke.
Nhiều người dân Thủ đô đến với không gian văn hoá đặc sắc của Netsuke.

Nghệ thuật “netsuke”

Thuật ngữ netsuke nghĩa là chiếc nút buộc bằng gỗ. Vốn dĩ trang phục kimono truyền thống của người Nhật Bản không có túi nên netsuke dùng để giữ những vật dụng cá nhân như là túi tiền, túi thuốc, hoặc túi thuốc lá … liền với đai áo bằngmột sợi dây.

Ban đầu, netsuke được định hình đơn giản, thường là do chính người dân thường tự tay làm rồi sử dụng. Sau đó, theo chân cánh lái buôn, nó nhanh chóng phổ biến khắp nơi và dần trở thành một món đồ trang trí rồi trở thành một loại hình đặc thù nghệ thuật ứng dụng.

Những tác phẩm Netsuke tiêu biểu đươc trưng bày tại Triển lãm.
Những tác phẩm Netsuke tiêu biểu đươc trưng bày tại Triển lãm.

Tính ứng dụng là điều làm nên sự khác biệt giữa netsuke và các tác phẩm điêu khắc tí hon khác, netsuke được dùng để chốt đầu dây móc vật dụng đeo trên đai áo kimono. Điều đó đồng nghĩa với việc, dù được điêu khắc dưới hình dạng nào thì đều phải có hai lỗ thủng để luồn dây qua.

 Chính vì vậy, việc thiết kế netsuke luôn phải chuẩn xác để bảo đảm netsuke sẽ chốt dây lại khi được luồn qua và nằm gọn ở obi.  Nếu điêu khắc hình động vật mà lại lộn ngược xuống hoặc điêu khắc hình người mà mặt người lại quay vào trong thì có nghĩa là hai lỗ thủng để luồn dây đã không được thiết kế chuẩn xác. 

Tuy giờ đây phần lớn netsuke được làm ra không vì mục đích sử dụng ban đầu nữa, lỗ thủng luồn dây cũng được làm tượng trưng mà thôi, tuy nhiên nếu không luồn được dây qua thì tác phẩm đó không còn là netsuke nữa. 

Những tác phẩm Netsuke tiêu biểu đươc trưng bày tại Triển lãm.
Những tác phẩm Netsuke tiêu biểu đươc trưng bày tại Triển lãm.

Nếu netsuke là một điêu khắc hình người thì lỗ luồn dây sẽ nằm ở đằng sau, nếu là hình một con vật đang nằm thì lỗ luồn dây sẽ ở phía bên dưới cùng. Tuy nhiên có một số trường hợp ngoại lệ, người ta lại thiết kế chỗ luồn dây ngay ở các khớp nối giữa cánh tay và thân người hoặc giữa bàn chân và thân của động vật.

Một điểm khác biệt nữa ở netsuke chính là phải thiết kế làm sao để không vướng hoặc làm hỏng áo kimono hoặc dây đai obi khi sử dụng.  Một netsuke điển hình sẽ được chạm trổ trên một hình khối dáng tròn.

Sự tinh xảo chạm khắc trong mỗi netsuke đều phải được thể hiện tinh tế qua mọi góc nhìn. Netsuke không giống như các tác phẩm điêu khắc thông thường dùng để ngắm. Bề mặt của mỗi netsuke trông tinh xảo và tỉ mẩn ở từng góc nhìn khi chầm chậm xoay trong lòng bàn tay.

 Một trong những vẻ đẹp của netsuke chính là khi xem cận cảnh từng tác phẩm một cách chi tiết, chúng ta sẽ thấy được những dụng cụ khéo léo và nghệ thuật thủ công tinh tế được mỗi nghệ nhân đặt vào trong mỗi tác phẩm ở những nơi không ngờ đến.

Các thợ điêu khắc tượng Phật, thợ chạm khắc mặt nạ, thợ mộc và thợ kim khí tham gia vào quá trình tạo ra netsuke và nâng tầm chúng thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, độc đáo, giàu tính tạo hình và đa dạng về chất liệu. Theo thời gian, các tác phẩm netsuke đạt tới độ hoàn hảo về sự biểu cảm, khả năng cảm nhận, sự đối xứng, những đường nét rõ ràng của bố cục và đặc biệt là sự xuất hiện của các chi tiết kế thừa từ văn hóa truyền thống Nhật Bản.

Người xem phải sử dụng kính lúp để chiêm ngưỡng các tác phẩm.
Người xem phải sử dụng kính lúp để chiêm ngưỡng các tác phẩm.

Ông KaWai Jun (Phó giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam) cho biết: “Về cơ bản netsuke được tạo ra để gắn các đồ vật như ví tiền hay hộp thuốc lá cho nam giới vào kimono. Nhưng càng về sau netsuke được sáng tạo tỉ mỉ hơn và đến ngày nay không được sử dụng trong đời sống hàng ngày nữa mà trở thành tác phẩm nghệ thuật như vật dụng làm bằng tay. Chất liệu thì vẫn bằng gỗ, đá như xưa và giờ thêm cao su, nhựa. Ngày nay netsuke không được sử dụng vào kimono nữa nhưng lại được làm các loại móc vào túi và trở thành sản phẩm thủ công mang văn hoá Netsuke”.

Nghệ thuật “netsuke” đương đại

Trong thời đại mà netsuke không còn là một phần trong cuộc sống thường nhật nữa thì các tác phẩm nestsuke đương đại trở thành nghệ thuật thể nghiệm đòi hỏi trình độ, thẩm mỹ và tính biểu hiện cao.

 Nếu netsuke truyền thống  nói chung chỉ chú trọng vào các mô phỏng về hình dạng con người và động vật thì netsuke đương đại lựa chọn chủ đề và chất liệu khá phóng khoáng và rõ nét. Ở một số tác phẩm, netsuke đương đại còn có một số mẹo nhỏ về kỹ thuật nhằm mang lại sự ngạc nhiên, thú vị cho người xem.

Những tác phẩm Netsuke tiêu biểu đươc trưng bày tại Triển lãm.
Những tác phẩm Netsuke tiêu biểu đươc trưng bày tại Triển lãm.

Mỗi tác phẩm netsuke đương đại được trưng bày trong triển lãm mang một chủ đề, tư tưởng, hình thái biểu hiện khác nhau, thể hiện sự tinh tế của các nghệ nhân có tay nghề cao. Nét hàm tiếu chứa đựng trong mỗi tác phẩm cũng như tính ứng dụng và vẻ đẹp của netsuke cho thấy hiện nay netsuke được coi là một tác phẩm thủ công thưởng thức bằng cả xúc giác. 

Hoạ sĩ Vũ Kim Thư cho biết: “Bước chân vào triển lãm, mình thấy choáng, bởi các tác phẩm điêu khắc ở đây rất tinh tế, nhỏ xíu tạo cảm giác như người xem và tác phẩm gần lại với nhau. Nhỏ không phải khái niệm về kích cỡ mà là khái niệm chi tiết. Cách trưng bày netsuke trên bục tròn dưới có một cái gương để người xem thấy mặt sau của tác phẩm.

Toàn bộ không gian một tác phẩm nằm trong không gian tối giản như vậy sẽ hiện lên một cách rõ ràng. Trong triển lãm phải dùng kính núp để chiêm ngưỡng các chi tiết của tác phẩm.

Cái thú vị của văn hoá Nhật Bản theo mình nhận thấy là luôn đưa điều bình thường nhất của cuộc sống lên tầm của một loại hình nghệ thuật cao nhất như cắm hoa, pha trà, thêu, nhuộm vải…”.

Hoạ sĩ Vũ Kim Thư (người cầm kính lúp ở giữa) tại triển lãm
Hoạ sĩ Vũ Kim Thư (người cầm kính lúp ở giữa) tại triển lãm

Tới triển lãm, chiêm ngưỡng những tác phẩm netsuke, các bạn sẽ có cảm nhận được sự ấm ấp áp của gỗ và vẻ đẹp tinh túy nhuốm màu thời gian của chúng. Khi tận tay chạm vào và quan sát kỹ lưỡng trên những hiện vật trưng bày, bạn sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về con người, tính cách của người Nhật Bản.

Đại diện của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản tại Việt nam cho biết Việt Nam là nước đầu tiên trưng bày triển lãm này. Tiếp sau đây, triển lãm sẽ được lưu động ở nhiều nước khác trên thế giới nhằm mang lại sự tiếp cận gần nhất đối với văn hóa Nhật Bản cho bạn bè quốc tế. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ