Apple đang kiên quyết chống lại lệnh giúp FBI mở khóa một chiếc iPhone thuộc sở hữu của một kẻ tình nghi trong vụ tấn công khủng bố sở San Bernardino, California vừa qua.
Không chỉ Apple, nhiều công ty công nghệ lớn của Mỹ là Goolge, Facebook cũng đồng tình với ý kiến chống lại lệnh trên của FBI. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người Mỹ nghĩ rằng Apple nên tuân thủ theo yêu cầu của chính phủ, chứ không nên tiếp tục "cứng đầu".
Các báo cáo của Trung tâm nghiên cứu internet Pew và website trưng cầu dân ý Survey Monkey cho thấy, chỉ 38% những người được hỏi trong khảo sát của Pew nói rằng Apple không nên giúp các nhà điều tra truy cập dữ liệu lưu trong iPhone, trong khi có tới 51% nói rằng Apple nên bắt tay với các nhà điều tra.
Khảo sát của Survey Monkey cũng cho thấy kết quả tương tự, với chỉ trên 40% người Mỹ ủng hộ Apple và khoảng 50% ủng hộ FBI.
Pew đã khảo sát khoảng 1.000 người Mỹ còn Survey Monkey hỏi ý kiến của 2.000 người.
Hơn 50% trong số những người được hỏi của Survey Monkey nói rằng họ lo ngại chính phủ sẽ không đủ kiên quyết để bảo vệ an ninh quốc gia trong trường hợp này.
Trước đó, khảo sát cho thấy phần lớn người Mỹ ủng hộ các nỗ lực của chính phủ trong việc thu thập dữ liệu cá nhân trong các vụ điều tra chống khủng bố. Chỉ 46% những người khảo sát của Survey Monkey nói họ lo ngại chính phủ sẽ đi quá xa.
Một số nạn nhân trong vụ tấn công ở San Bernardino cũng chống lại nhà sản xuất iPhone. Hãng tin Reuters từng cho biết hôm qua (thứ Hai) rằng một số người còn lên kế hoạch sẽ cùng nhau ủng hộ nỗ lực của chính phủ, buộc Apple phải mở mã điện thoại.
Tuy nhiên, theo Huffington Post, đáng chú ý là, mẹ của một nạn nhân lại bảo vệ quan điểm của Apple. "Thực tế là chúng ta có quyền riêng tư", Carole Adams, người mẹ có con trai là Robert Adams, một chuyên gia nghiên cứu sức khỏe môi trường, chết trong vụ xả súng hàng loạt, đã nói.
Cuộc chiến của Apple với FBI đã khơi lại một cuộc tranh cãi gay gắt về vai trò của các công ty công nghệ trong việc giúp cơ quan thực thi pháp luật có được dữ liệu về những kẻ nghi ngờ khủng bố.
Tuần qua, Apple đã công khai từ chối tạo ra "cửa sau" vào phần mềm iOS, giúp FBI tiếp cận những dữ liệu được bảo vệ bằng mật khẩu trên chiếc iPhone mà Syed Farook, một trong hai kẻ bị nghi ngờ đã xả súng tại San Bernardion, sử dụng.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi để buộc Apple phải vâng lời, khẳng định sự chống đối của Apple chỉ là "chiến lược marketing". Đổi lại, Apple kêu gọi thành lập một ủy ban chính phủ để xem xét về vấn đề quyền riêng tư.