Niềm vui đến trường. Ảnh: HHT |
Về điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục: Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với việc tách thành lập nhà trường thành hai bước và quy định điều kiện tương ứng cho từng bước như Dự thảo Luật. Tuy vậy, các đại biểu đề nghị: điều kiện thành lập trường và cho phép hoạt động phải được quy định thành các tiêu chí cụ thể rõ ràng, chặt chẽ hơn.
Về thẩm quyền quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập trường ĐH: Nhiều ý kiến đồng ý giao thẩm quyền thành lập trường ĐH cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, dựa trên cơ sở quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để phù hợp với xu hướng cải cách hành chính và xác định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong việc thành lập trường đại học. Một số đề nghị giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với các trường hợp đặc biệt, các trường ĐH lớn như đại học quốc gia, đại học vùng, các trường ĐH trọng điểm đạt trình độ khu vực và quốc tế. Các trường đại học khác nên phân cấp giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định...
Về thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục: Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu nhất trí giao thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục đối với trường đại học cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ ngay trong Luật, người có thẩm quyền cấp phép hoạt động cho các cấp học và trình độ đào tạo. Có ý kiến đề nghị không tách thẩm quyền quyết định thành lập trường ĐH và thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục cho 2 cấp khác nhau.
Về thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ: Nhiều ý kiến đồng ý sửa đổi Điều này nhưng có quan điểm sửa đổi khác nhau như: Cần có quy định về thời gian cứng, thời gian linh hoạt, và thời gian đào tạo tập trung, thời gian đào tạo không tập trung trong đào tạo tiến sĩ; nên có khung chương trình đào tạo tiến sĩ chuẩn mà không nhất thiết phải áp dụng tiêu chí thời gian; chỉ nên quy định thời gian tối đa cho việc đào tạo tiến sĩ...Một số ý kiến nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung như Dự thảo Luật và đề nghị giải trình về cơ sở khoa học của việc quy định thời gian được rút ngắn và kéo dài như trong Dự thảo Luật.
Về đào tạo và cấp văn bằng sau đại học công nhận trình độ thực hành ở một số ngành chuyên môn đặc biệt: Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu nhất trí với việc bỏ quy định cấp văn bằng tương đương trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và đề nghị quy định việc đào tạo và cấp văn bằng sau đại học, công nhận trình độ thực hành cho một số ngành chuyên môn đặc biệt như đề nghị trong Báo cáo thẩm tra của UBVH-GD-TN-TN-NĐ. Có ý kiến nhất trí với quy định như Dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị giữ quy định về văn bằng tương trình độ thạc sĩ tiến sĩ như Luật hiện hành...
Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa: Nhiều đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn chương trình giáo dục phổ thông và SGK, về quy trình biên soạn và thẩm định chương trình và SGK...Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định việc biên soạn nhiều bộ SGK và giao sự chủ động cho các cơ sở giáo dục trong việc lựa chọn SGK. Cũng có ý kiến đề nghị quy định biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa nhưng chỉ lựa chọn một bộ SGK mẫu mực nhất sử dụng trong toàn quốc. Một số đề nghị khắc phục tình trạng quá tải trong chương trình giáo dục phổ thông; tăng nội dung thực hành trong SGK; cần quan tâm hơn đến việc dạy tiếng, dạy chữ dân tộc trong nhà trường; cần xem xét vấn đề dạy ngoại ngữ ở bậc tiểu học...
Về giáo trình giáo dục nghề nghiệp và giáo trình giáo dục ĐH: Nhiều ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với đề xuất sửa đổi bổ sung vấn đề này như Tờ trình của Chính phủ. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc giao cho hiệu trưởng nhà trường, giám đốc trung tâm dạy nghề tổ chức biên soạn hoặc tổ chức lựa chọn; duyệt giáo trình để sử dụng vì khó bảo đảm chất lượng. Hội đồng thẩm định giáo trình nên giao cho Bộ GD&ĐT thành lập chứ không nên để nhà trường thành lập...
Về cơ sở giáo dục đại học: Có ý kiến đề nghị quy định rõ thiết chế, cơ cấu tổ chức, tài chính… của Đại học quốc gia và đề nghị “luật hoá” mô hình này vào Luật; đề nghị gọi tên các đại học quốc gia, đại học vùng là “viện đại học” để tránh nhầm với các loại trường đại học khác. Có ý kiến cho rằng, cần xem xét, tổng kết về mô hình hoạt động của các ĐH Quốc gia, ĐH vùng và đề nghị chưa nên bổ sung “Đại học” vào các loại hình cơ sở giáo dục ĐH. Có ý kiến đề nghị rà soát Dự thảo Luật để sửa đổi các điều luật liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung quy định này.
Trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân: Có ý kiến tán thành với quy định như Dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị quy định trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân và đề nghị xóa bỏ các trường của tổ chức chính trị - xã hội như: Trường Đại học công đoàn, Học viện Thanh niên...
Về công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục: Nhiều ý kiến nhất trí với nội dung sửa đổi của Dự thảo Luật về vấn đề này. Một số ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung đề nghị trong Báo cáo thẩm tra về công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đặc biệt là việc bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm trong việc cơ sở giáo dục công bố thông tin không chính xác.
Về kiểm định chất lượng giáo dục: Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với việc bổ sung các quy định về kiểm định chất lượng giáo dục vào Dự thảo Luật. Nhiều ý kiến đề nghị phải có quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục; cần làm rõ hơn tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, hình thức và nội dung kiểm định chất lượng giáo dục; đề nghị mở rộng chức năng và tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục…
Về nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Một số ý kiến đề nghị có chính sách phù hợp đối với CBQLGD để nhà giáo giỏi yên tâm khi được điều động làm nhiệm vụ quản lý giáo dục. Một số ý kiến đề nghị quy định chính sách thâm niên đối với nhà giáo trong Luật, đồng thời cần có các chính sách mạnh mẽ hơn nhằm thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhất là đối với giáo viên mầm non, giáo viên công tác ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Có ý kiến đề nghị trong Luật cần có quy định về trách nhiệm, đạo đức nhà giáo, quy định về quản lý giáo viên và chế tài để xử lý các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo...
Về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào Dự thảo Luật. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tích cực chuẩn bị các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Một số ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm phổ cập giáo dục, trong đó quy định phổ cập là bắt buộc và Nhà nước phải bảo đảm kinh phí để thực hiện...
Xem toàn văn báo cáo tại đây
Hiếu Nguyễn