Chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại, ông Lương Tất Thùy cho biết:
Xác định rõ hơn về mục tiêu giáo dục
Tôi nhận thấy ngay ở Bản dự thảo đã có nhiều tiến bộ, nhiều điểm mới và từng bước thực hiện đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Quốc Hội, Chính phủ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Điều mà tôi tâm đắc nhất là mục tiêu giáo dục được xác định rõ hơn và toàn diện hơn. Cụ thể là trang bị cho học sinh những năng lực, phẩm chất để có thể phát triển toàn diện trong tương lai.
Trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng thực hành vận dụng, kỹ năng thích ứng với những thay đổi và định hướng nghề nghiệp. Chương trình mới có sự thay đổi lớn là cách tiếp cận theo định hướng phát triển năng lực học sinh (gồm 6 năng lực và 10 phẩm chất) phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp số hiện nay.
Chương trình cũng đã làm rõ hơn triết lý giáo dục học đi đôi với hành và tiến tới mục tiêu: Học để biết, học để làm, học để làm người.
Chương trình mới có tính khả thi
Tôi cũng đã từng là một giáo viên, rồi tham gia quản lý giáo dục, hoạt động quần chúng, tôi nhận thấy: Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới và lộ trình thực hiện từng bước cụ thể nên chắc chắn có tính khả thi bởi có nhiều điều mới phù hợp với xu thế hiện nay.
Đây là chương trình xây dựng trên cơ sở chương trình hiện hành, tiếp nối và phát triển chương trình trước. Chương trình cũng có nhiều điểm mới đòi hỏi các nhà trường phổ thông và giáo viên phải đầu tư nhiều hơn về mọi mặt.
Theo tôi để tính khả thi cao hơn nữa trước hết các nhà trường, thầy cô giáo phải tiếp tục đổi mới tư duy về giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học, tự bồi dưỡng về kỹ năng về mọi mặt, tự học nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ…Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam đẩy mạnh và phát huy những bài học kinh nghiệm từ các phong trào, các cuộc vận động lớn của Ngành như: Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” của nữ giáo viên. Các cuộc vân động” Đổi mới phương pháp dạy và học”, “ Tự học, tự rèn”, “ Xã hội hóa giáo dục “…
Đội ngũ giáo viên đã tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào ít nhiều đã từng thực hiện việc này, việc kia. Khi có chỉ đạo hướng dẫn và quyết tâm của các cấp, các ngành, chắc chắn họ sẽ bắt nhịp được với yêu cầu mới của ngành Giáo dục.