Đã rõ con đường để phát triển giáo dục

GD&TĐ - Đó là nhận xét của PGS Nguyễn Vũ Lương - Chủ tịch Hội đồng khoa học Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Hà Nội) sau khi nghiên cứu Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Đã rõ con đường để phát triển giáo dục

Nhìn chung Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã đáp ứng với yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Chương trình đã tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Mục đích là để học sinh phát huy sở trường và các em cảm thấy đi học là hạnh phúc, học để tiến tới thành công. Đáng mừng là chúng ta đã và đang đi theo hướng đó.

Ví dụ: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo đã được xuyên suốt từ tiểu học đến THPT. Đây là môn học giúp các em phát huy được năng lực và kỹ năng của mình.

Hoặc ngay từ bậc tiểu học đã có môn: Giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta... giúp học sinh hình thành và phát triển nhân cách, phẩm của mình.

 PGS Nguyễn Vũ Lương

Cách phân phối hệ thống các môn học được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc như trong Dự thảo nêu là hợp lý.

Đặc biệt việc chia thành hai giai đoạn gồm: Giai đoạn giáo dục cơ bản với 9 năm từ bậc tiểu học đến hết THCS và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp với 3 năm của THPT là phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Một trong những điều tôi tâm đắc nhất đó là dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã xây dựng cho toàn xã hội một còn đường. Còn đường ấy là đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn để chúng ta thực hiện. Mà đã là đúng thì tại sao chúng ta không làm?!

Tôi hoan nghênh cách làm việc của Bộ GD&ĐT, bất cứ chủ trương nào cũng công khai để lấy ý kiến rộng rãi. Đây là cách làm dân chủ, cầu thị và luôn lắng nghe, tiếp thu.

Ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp với 3 năm ở bậc THPT tôi thấy, dường như Ban soạn thảo có tham khảo nghiên cứu chương trình trên thế giới, mà rõ nét nhất là: ở một số nước Châu Âu và Nhật Bản, Hàn Quốc.

Vấn đề đặt ra là chúng ta cân nhắc thật kỹ lưỡng để lựa chọn hướng đi phù hợp với mình nhất. Cá nhân tôi thích theo phát triển giáo dục theo hướng của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ