(GD&TĐ) - Sáng nay (16/10), Hội thảo chuyên đề “Những đá quý phổ biến trên thị trường Việt Nam là sự kiện cuối cùng trong chuỗi sự kiện của Hội nghị khoa học Ngọc học Quốc tế (IGC) lần thứ 33 do ĐH Quốc gia Hà Nội và Tập đoàn Vàng bạc đá quý (VBĐQ) DOJI đồng tổ chức diễn ra tại Hà Nội.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Tham dự Hội nghị IGC 33 lần này có: Ông Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ khoa học & Công nghệ; ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học & Môi trường của Quốc hội, các vị khách quý cùng hơn 60 đại biểu là các nhà khoa học nổi tiếng đến từ 23 quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Thụy Sỹ,… và nước chủ nhà Việt Nam.
Diễn ra từ ngày 13 -16/10/2013, Hội nghị là dịp để giới thiệu, quảng bá về hình ảnh đất nước Việt Nam giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các loại đá quý rất có giá trị, góp phần đưa ngành đá quý Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.
Đã có 63 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế, trong đó Việt Nam có 6 báo cáo, xoay quanh các chủ đề lớn với những nội dung mang tính thời sự như: Phân biệt và nhận biết đá quý tự nhiên và nhân tạo; Cập nhật thông tin về các phương pháp xử lý, nâng cấp chất lượng đá quý; Đánh giá chất lượng đá quý và định giá…
Trong Hội thảo chuyên đề “Những đá quý phổ biến trên thị trường Việt Nam: cách nhận biết đá tự nhiên, đá tổng hợp và đá xử lý” vào sáng nay (16/10, các tham luận đã góp phần đem tới một cái nhìn toàn diện về đá quý Việt Nam trong mắt các nhà Khoa học quốc tế và cung cấp nhiều thông tin bổ ích, những vấn đề thời sự về các loại đá quý phổ biến nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay như kim cương, ngọc jade, ngọc trai…, đồng thời mở rộng sự kết nối giữa giới khoa học và các doanh nghiệp vàng bạc đá quý trong nước với cộng đồng các nhà ngọc học quốc tế.
Hội nghị Ngọc học quốc tế IGC được tổ chức định kỳ 2 - 3 năm một lần, mỗi lần đăng cai tại một châu lục, quy tụ các nhà ngọc học của hầu hết các quốc gia có ngành đá quý phát triển trên thế giới, được coi là Hội nghị uy tín và lâu đời nhất trong lĩnh vực Ngọc học. Mục tiêu lâu dài của IGC là thúc đẩy sự phát triển của ngành Ngọc học tại các quốc gia khác nhau, thông qua các cơ sở đào tạo và các Viện Ngọc học quốc gia trên toàn cầu. |
Hiên Kiều