Đà Nẵng: Treo thưởng cho những “vùng xanh” an toàn nhất

GD&TĐ - Nhằm tạo lá chắn bảo vệ cho người dân trong các tổ dân phố chưa có dịch, Đà Nẵng treo thưởng cho phường giữ được “vùng xanh” lâu nhất.

Tất cả mọi hoạt động ra vào đều được ghi chép cụ thể, sẵn sàng cho việc truy vết nếu cần.
Tất cả mọi hoạt động ra vào đều được ghi chép cụ thể, sẵn sàng cho việc truy vết nếu cần.

Thay nhau chốt chặn, bảo vệ “vùng xanh”

Những ngày qua, Đà Nẵng liên tục ghi nhận những ca nhiễm trong cộng đồng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng ở địa phương. Trước thực trạng này, một số phường tại các quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Thanh Khê bắt đầu phát động thiết lập những vùng an toàn (hay còn gọi là “vùng xanh”).

Biện pháp này được nhiều người dân ủng hộ, với mong muốn duy trì một khu dân cư không có ca nhiễm Covid-19.

Trưa 12/8, ghi nhận phường Hải Châu 1, nhiều khu dân cư trên địa bàn phường đã thực hiện kiểm soát người dân bằng cách thiết lập các “vùng xanh”. Tại kiệt K36 Lê Duẩn tổ dân phố 18, nơi được thiết lập “vùng xanh”, các lối ra vào được rào chắn lại, chỉ còn một đường đi duy nhất.

Người dân trong tổ dân phố cắt cử người tham gia trực chốt để kiểm tra, ngăn người lạ vào bên trong.

Những người ra khỏi khu vực phải xuất trình giấy đi đường hoặc phiếu đi chợ. Shipper tới giao hàng phải đứng bên ngoài, gọi người ra nhận. Các chốt cũng trang bị sổ nhật ký để ghi lại thông tin của những người ra vào.

Tham gia chốt trực tại “vùng xanh”, ông Vũ Minh Trung (69 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh 13, Tổ 18 phường Hải Châu 1) cho biết, ông đang phụ trách ca trực từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa.

Theo ông Trung, mỗi ngày cấp ủy chi bộ, Ban công tác mặt trận Khu dân cư sẽ chia nhau mỗi ngày 3 ca để trực chốt, thay phiên nhau từ 6 giờ sáng đến 19 giờ tối. Sinh sống lâu năm tại đây nên người dân trong khu dân cư ông Trung đều biết mặt hết. Nếu có trường hợp người lạ vào là phát hiện ngay.

“Những trường hợp ra ngoài có lý do chính đáng như đi chợ, đi bệnh viện, đi làm ở công sở Nhà nước… thì phải có giấy đi đường, những người khác khu vực không được vào vùng xanh này, trừ trường hợp được lưu thông theo chỉ đạo của thành phố. Khi người dân đi ra vào vùng xanh phải khai rõ thông tin cụ thể để sẵn sàng cho việc truy vết”, ông Trung nói.

Vội ăn cơm nhanh để thay ca trực cho ông Trung, ông Nguyễn Xuân Văn - Tổ trưởng Tổ dân phố 18 chia sẻ, ca trực của ông bắt đầu từ 12 giờ trưa đến 15 giờ. Sắp tới phiên trực nên ông Văn lo sắp xếp việc gia đình, tranh thủ ăn trưa sớm rồi ra chốt trước 15 phút để tiếp nhận sổ sách, thiết bị tại chốt.

“Mỗi ca trực sẽ có 2 người, quản lý chặt chẽ ở khu ra vào. Chủ trương lập “Vùng xanh” thì người dân rất mừng. Thứ nhất, xác định cụm dân cư mình an toàn. Thứ hai là mình yên tâm hơn khi người ra vào đều phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc 5K.

Tôi cũng mong thành phố mau chóng chiến thắng dịch bệnh, trả lại sự bình yên để người dân được sống và làm việc bình thường như trước đây”, ông Văn nói.

Treo thưởng cho phường giữ được “vùng xanh” lâu nhất

Cùng ca trực với ông Trung, anh Võ Minh Thông (40 tuổi) nhận nhiệm vụ ghi sổ nhật ký và kiểm tra giấy tờ. Anh Thông cho biết, vốn làm công việc kinh doanh hàng điện tử. Dịch bệnh nên phải nghỉ ở nhà. Là một người dân sống trong khu dân cư nên anh Thông đã xung phong trực chốt “vùng xanh”.

Anh Thông cho hay, việc bảo vệ sức khoẻ người dân trong khu dân cư cũng chính là bảo vệ cho gia đình mình. Không những tình nguyện đăng ký tham gia trực chốt, anh Thông còn vận động những thanh niên trẻ tham gia.

“Mình còn trẻ khoẻ, đây là lúc phát huy. Các bác lớn tuổi nên sức khoẻ cũng hạn chế, lại dễ lây nhiễm bệnh nên người trẻ cần xông pha. Mình cũng cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ để cho người dân trong vùng xanh được an toàn”, anh Thông chia sẻ.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Võ Trường Anh - Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) cho biết, hiện nay, phường thiết lập “Vùng xanh” ở 5 khu dân cư gồm khu dân cư số 1; số 12, 13...

Theo đó, các tổ dân phố, khu dân cư sẽ tự lập rào chắn bảo vệ người dân của mình. Các lối ra, vào được rào lại, chỉ để 1 - 2 lối đi có kiểm soát và người dân ra khỏi khu vực phải có giấy đi đường/ phiếu đi chợ, hàng hoá chỉ giao nhận tại bàn trực chốt, không cho người lạ vào khu dân cư nếu không có lý do chính đáng.

“Việc rào chắn cũng được UBND phường hướng dẫn, đảm bảo việc đi lại cho nhân dân đồng thời vẫn đáp ứng, giải quyết được lối thoát nạn, thoát hiểm cho người dân khi cháy, nổ xảy ra tại các khu dân cư. Đây cũng là phường đầu tiên thực hiện “Vùng xanh” trên địa bàn quận Hải Châu và TP Đà Nẵng”, ông Anh thông tin.

Ông Anh cho hay, hiệu quả cao nhất mà mô hình này mang lại chính là ý thức tự giác của người dân được nâng cao hơn, phát huy sức mạnh cộng đồng. Từ việc tự đứng ra lập các chốt kiểm soát, cùng tham gia vào công tác chốt chặn, mỗi người dân sẽ tự ý thức được đây là việc làm đang bảo vệ sự an toàn cho chính gia đình mình và cho cộng đồng.

Theo ông Lê Tự Gia Thạnh - Chủ tịch UBND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng), việc thiết lập các “vùng xanh” để mỗi tổ, mỗi khu dân cư cùng chính quyền giám sát, ngăn dịch xâm nhập và bảo vệ mình.

“Sau khi triển khai ở phường Hải Châu 1, quận sẽ nhân rộng ra các phường khác. Đồng thời, treo thưởng cho các phường giữ được vùng xanh lâu nhất. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền và ý thức tự giác của người dân”, ông Thạnh thông tin.

Được biết, ngoài phường Hải Châu 1, hiện nay ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) và thôn Phú Sơn 3 (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) cũng thiết lập một số “vùng xanh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.