Đà Nẵng tái cấu trúc du lịch: Điều chỉnh lệch pha cung - cầu

GD&TĐ - Lệch pha trong cung - cầu, thiếu các sản phẩm mới như sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhóm sản phẩm du lịch mua sắm, vui chơi giải trí về đêm, phụ thuộc vào một số thị trường khách quốc tế nhất định…

Vấn đề an toàn trong du lịch cho du khách được chú trọng sau dịch Covid-19. Ảnh chụp tại Khu du lịch Bà Nà
Vấn đề an toàn trong du lịch cho du khách được chú trọng sau dịch Covid-19. Ảnh chụp tại Khu du lịch Bà Nà

Lệch pha trong cung - cầu, thiếu các sản phẩm mới như sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhóm sản phẩm du lịch mua sắm, vui chơi giải trí về đêm, phụ thuộc vào một số thị trường khách quốc tế nhất định… là những gì du lịch Đà Nẵng phải giải quyết khi cơ cấu lại ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Cần đầu tư du lịch thủy

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch nhận xét: “Nếu như trước đây, Đà Nẵng chỉ làm nhiệm vụ “cửa đến” - thì thời gian gần đây đã trở thành điểm đến của nhiều du khách. Về tổng thể, du lịch Đà Nẵng đạt các tiêu chí về kinh tế của ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, để có được những đánh giá sự phát triển đó có bền vững hay không cần phải tính đến hiện trạng cơ cấu du lịch của thành phố. Đó là các thành phần tạo nên “cung” của điểm đến gồm cơ cấu về thị trường, sản phẩm du lịch, cơ cấu về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, cơ cấu về nguồn nhân lực du lịch và cơ cấu về đầu tư du lịch. Đây là những chỉ số quan trọng, trực tiếp liên quan đến hiệu quả tăng trưởng du lịch với tư cách là ngành kinh tế mũi nhọn”. 

Đến cuối năm 2019, Đà Nẵng có 943 cơ sở lưu trú du lịch với 40.074 phòng. Số lượng phòng này vượt khoảng 8% so với nhu cầu, ảnh hưởng lớn đến công suất sử dụng buồng phòng chung của thành phố. Chưa kể, vào mùa thấp điểm về du lịch nội địa từ tháng 10 năm này đến tháng 4 năm sau, “cung” đã vượt “cầu” khoảng 30% khi chỉ cần khoảng 30.637 phòng. 

Ông Bùi Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng cho rằng, cần quan tâm hơn đến giao thông đường thủy như cảng biển du lịch, du lịch đường thủy nội địa (về phía sông Cu Đê, sông Hàn, sông Cổ Cò). Vịnh Đà Nẵng rất đẹp, nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác nhiều. Những năm tới đây, thành phố nên đẩy mạnh phát triển một số hoạt động như lưu trú trên vịnh Đà Nẵng để tăng thêm sản phẩm cho du khách.

Ông Lê Đức Viên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng thì nhận xét rằng, du lịch cộng đồng, sinh thái chưa được quan tâm nhiều, du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh chưa chuyên sâu. Đà Nẵng cần tăng cường hơn nữa liên kết vùng để phát triển du lịch giữa 3 địa phương Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.

Đà Nẵng chào đón du khách quay trở lại thành phố sau dịch Covid-19 lần thứ 2.
 Đà Nẵng chào đón du khách quay trở lại thành phố sau dịch Covid-19 lần thứ 2. 

Hướng đến phát triển bền vững

Đà Nẵng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong 3 trụ cột kinh tế của Đà Nẵng. Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng thì việc cơ cấu lại ngành du lịch của thành phố phải bảo đảm góp phần tích cực giữ được sự ổn định và tiếp tục nâng cao vai trò ngành kinh tế mũi nhọn của du lịch Đà Nẵng. Theo đó, việc xác định cơ cấu ngành du lịch bao gồm cơ cấu của thị trường du lịch, cơ cấu của sản phẩm du lịch, cơ cấu của hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, cơ cấu nguồn nhân lực du lịch, cơ cấu đầu tư phát triển du lịch, cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch, cơ cấu lại du lịch Đà Nẵng theo lãnh thổ…

Theo lộ trình tái cơ cấu, đến năm 2025, Đà Nẵng điều chỉnh lại cơ cấu du lịch thành phố theo 4 lĩnh vực cơ bản. Phấn đấu đạt cơ cấu giữa thị trường quốc tế và nội địa (có lưu trú là 50% - 50%, cơ cấu thị trường quốc tế là châu Âu - Bắc Mỹ 20%, Đông Bắc Á 57%, Đông Nam Á gồm ASEAN, Úc và NewZealand là 20% và các thị trường khác là 3%). Đến năm 2030 hoàn thành việc cơ cấu lại du lịch Đà Nẵng. Về thị trường đạt cơ cấu giữa thị trường quốc tế và nội địa có lưu trú là 45% - 55%, cơ cấu thị trường quốc tế là châu Âu - Bắc Mỹ 30%, Đông Bắc Á 40%, Đông Nam Á gồm ASEAN, Úc và NewZealand là 25% và các thị trường khác là 5%). 

Giải pháp chung thực hiện tái cơ cấu là đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, thu hút khách du lịch. Tạo thuận lợi về điều kiện tiếp cận và đi lại cho khách du lịch. Tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, bảo đảm an toàn vệ sinh cho các điểm đến. Tập trung đầu tư cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
du lịch …

Về ngắn hạn, Đà Nẵng đang liên kết với 2 địa phương Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam xây dựng chương trình mới với chủ đề “Ba địa phương – một điểm đến nhiều trải nghiệm”. Sản phẩm du lịch này sẽ có các gói dịch vụ, chương trình ưu đãi dành cho người dân 3 địa phương phù hợp với xu hướng hiện nay là “du lịch tại chỗ” (Staycation). Chương trình dự kiến kéo dài từ giữa tháng 10 đến hết 31/12.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh, du lịch đang hết sức khó khăn nhưng hiệp hội cũng đang triển khai đồng loạt các giải pháp, xây dựng các sản phẩm du lịch để kích cầu thu hút khách trong những tháng cuối năm, trong đó tập trung các giá trị các dịch vụ, mang đến cho khách hàng các sản phẩm tốt nhất. Dự kiến sẽ hình thành các nhóm sản phẩm riêng biệt dành cho 3 địa phương (Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam), và nhóm dành cho khách từ các địa phương khác đến Đà Nẵng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.