Báo cáo tại buổi làm việc, bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ cho biết, tồn tại lớn nhất của quận là công tác giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư ở một số dự án còn nhiều khó khăn, tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài chưa xử lý dứt điểm. Riêng dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, thành phố chưa xử lý dứt điểm khu vực Cồn Dầu nên công tác giải tỏa, đền bù kéo dài nhiều năm, tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vẫn còn xảy ra.
Tại buổi làm việc, ông Trương Quang Nghĩa đã đề cập nhiều đến công tác cán bộ. Theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, Cẩm Lệ chưa phát huy hết tiềm năng là do cải cách hành chính của quận này còn yếu, mà để cải cách hành chính tốt, nhanh thì phải tổ chức tốt công tác cán bộ, quy hoạch tốt, minh bạch công khai.
“Có khi nào các đồng chí thử kiểm tra trong hệ thống của chúng ta có bao nhiêu người nhà của bí thư, bao nhiêu người nhà của chủ tịch, bao nhiêu người nhà của thường trực” - Bí thư Nghĩa đặt vấn đề - “Khi có người nhà thì làm việc rất khó, không thể nói hay mắng mỏ vì đó là người nhà, là con hoặc là em là cháu. Mình định nhắc nhở, kiểm điểm thì vướng cả, thân quen cả”.
Ông Nghĩa cho rằng, cán bộ phải xác định đúng vị trí của mình. “Đã là chủ tịch, đã là bí thư thì không thể có người nhà ở vị trí nào cả. Có chuyện này thì xảy ra việc mất đoàn kết, dòm ngó nhau để làm việc rồi cuối cùng lúc nào cũng mặc cả. Em anh, em tôi, cháu anh, cháu tôi thế này, thế kia” – Bí thư Đà Nẵng nhận định.
Theo ông Nghĩa, để giải quyết vấn đề này thì phải thực hiện tốt quy hoạch, tuyển chọn. Ông Nghĩa cho hay Đà Nẵng và các quận huyện sẽ còn rất nhiều cuộc kiểm tra, kiểm điểm, đánh giá lại năng lực cán bộ, sắp xếp lại cho phù hợp trong nhiệm kỳ này để chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau. Sắp tới Đà Nẵng sẽ thực hiện cơ chế để bí thư và chủ tịch đến cấp huyện phải là người không ở địa phương. “Thành phố sẽ tạo điều kiện cho cán bộ ở địa phương phát triển nhưng không có nghĩa là phát triển tại địa phương đó mà có thể làm bí thư, chủ tịch ở địa phương khác” - ông Nghĩa nhấn mạnh.