Đà Nẵng: Nỗ lực phổ cập kỹ năng bơi an toàn cho học sinh

GD&TĐ - Trước thực trạng học sinh ở một số địa phương bị đuối nước rất thương tâm, Sở GD&ĐT Giáo dục TP Đà Nẵng đã triển khai giải pháp phổ cập kỹ năng bơi an toàn phòng chống đuối nước cho học sinh bậc tiểu học. 

Thầy Phan Hữu Quý đang dạy bơi cho 2 em học sinh tiểu học
Thầy Phan Hữu Quý đang dạy bơi cho 2 em học sinh tiểu học

Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh.

Xã hội hóa dạy bơi

Năm học 2015 - 2016 có khoảng 2.500 học sinh tiểu học đã học bơi. Ngành Giáo dục Đà Nẵng kỳ vọng, sau đợt phát động phổ cập kỹ năng bơi sẽ có thêm khoảng hơn 14.000 học sinh hoàn thành kỹ năng bơi lội.

6 giờ sáng, thầy Phan Hữu Quý – giáo viên thể dục Trường THCS Nguyễn Khuyến và 3 em học sinh tiểu học đã có mặt tại bể bơi của Khách sạn Xanh (TP Đà Nẵng) để khởi động, chuẩn bị cho bài học “lấy hơi, nín thở ở phía dưới mặt nước”.

Thầy Quý cho biết: Từ khi Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng phát động phổ cập dạy bơi, thầy và các đồng nghiệp của mình đã được rất nhiều phụ huynh gửi gắm nhờ dạy bơi cho con em mình.

Từ đầu tháng 6 đến nay, thầy đã nhận dạy cho 40 em học sinh tiểu học về kỹ năng bơi an toàn, trong đó đã có nhiều em bơi thành thạo.

“Để giải quyết bài toán thiếu bể bơi trong các trường học như hiện nay, chúng tôi đã cùng với phụ huynh liên kết với một số khách sạn có bể bơi để tổ chức lớp học cho các em vào các buổi sáng và buổi chiều trong ngày. Xã hội hóa là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục khó khăn trong việc tổ chức dạy bơi cho học sinh như hiện nay - Thầy Hữu cho biết.

Linh hoạt các phương án dạy – học bơi

 Bà Lê Thị Bích Thuận

Liên quan đến giải pháp xã hội hóa dạy bơi cho học sinh, bà Lê Thị Bích Thuận – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho hay: Sở cũng khuyến khích các trường thực hiện giải pháp này theo phương thức hợp đồng với các bể bơi ngoài hệ thống trường học để triển khai việc dạy học bơi cho học sinh.

Theo đó đã có 8 đơn vị hợp đồng với ngành Giáo dục thành phố gồm các bể bơi của Trường đại học Thể dục Thể thao, Quân khu 5, Lữ đoàn 83 Hải quân, Trung tâm Thể dục Thể thao quận Thanh Khê và một số khách sạn có bể bơi trên địa bàn thành phố.

Hiện Đà Nẵng mới có 14 bể bơi ở các trường tiểu học; trong đó có 11 bể bơi do Dự án TASC tài trợ và 3 bể bơi ở các trường Đức Trí, Skyline và TH Đinh Bộ Lĩnh. Khắc phục tình trạng thiếu bể bơi để dạy cho học sinh, Sở chủ trương cho phép những trường chưa có điều kiện xây bể bơi thì học sinh có thể đăng ký học ở các trường lân cận. Học phí được áp dụng theo chỉ đạo của UBND thành phố đó là: không quá 200 nghìn đồng/12 buổi học/tháng/học sinh.

“Chúng tôi chỉ đạo các nhà trường đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình dạy bơi cho học sinh. Các lớp học bơi phải niêm yết danh sách học sinh và giáo viên.

Mỗi lớp phải có ít nhất 2 giáo viên hướng dẫn. Kết thúc giờ thực hành, giáo viên phải quan sát, khi nào thấy học sinh lên bờ an toàn 100% thì giáo viên mới được lên bờ.

Bên cạnh 2 giáo viên dạy bơi, các nhà trường cũng phân công 1 nhân viên y tế trực cùng với Ban quản lý nhà trường. Qua kiểm tra cho thấy, các trường đều thực hiện đúng quy định” – bà Thuận cho biết và trao đổi thêm về một giải pháp nữa mà ngành Giáo dục thành phố đang áp dụng đó là: kêu gọi liên kết đầu tư xây dựng bể bơi di động nhằm giảm nhẹ kinh phí từ tiền tỷ nếu xây dựng một bể bơi cố định xuống còn khoảng vài trăm triệu đồng nếu áp dụng phương án bể bơi di động. Ngoài ra, ưu điểm của giải pháp này là bể bơi có thể di chuyển cơ động, không mất quá nhiều diện tích.

Chủ trương của Sở GD&ĐT Đà Nẵng là nhân rộng chương trình dạy bơi phòng đuối nước trong các trường học. Tuy nhiên trước mắt, với những trường đã có bể bơi sẽ được duy trì thực hiện trong năm học như một môn thể dục tự chọn.

Những trường còn lại có thể liên kết với các trường lân cận mà đã có bể bơi để tổ chức dạy cho học sinh ngay trong năm học tới. Hoặc nếu không có điều kiện thì sẽ tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh vào thời gian nghỉ hè.

“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là học sinh có được những kỹ năng cơ bản về bơi lội và biết xử lý khi gặp các tình huống khẩn cấp dưới nước để bảo vệ an toàn cho chính mình và những người xung quanh.

Đồng thời, tạo hiệu ứng tích cực từ phía gia đình và xã hội, nhằm nâng cao nhận thức về việc rèn luyện cho các em kỹ năng bơi lội - một trong những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống của người dân vùng biển” – bà Thuận nhấn mạnh.

Xem thêm video thầy Phan Hữu Quý hướng dẫn học sinh tập bơi:

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ