Người dân chỉ được ra ngoài khi thực sự cần
Theo quyết định của UBND TP Đà Nẵng, bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/7, toàn TP Đà Nẵng bắt đầu thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng.
Trong đó, 6 quận gồm Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Thanh Khê, Cẩm Lệ thực hiện theo Chỉ thị 16. Riêng huyện Hòa Vang thực hiện theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng.
TP Đà Nẵng cũng tiến hành áp dụng biện pháp phong tỏa. Cách ly y tế tại 3 bệnh viện lớn Đà Nẵng là Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng, Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng. Khu vực dân cư lân cận cũng bị cách ly.
Đại tá Trần Phước Hương – Trưởng Công an quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) cho biết, Công an quận đã triển khai 11 chốt chặn, trong đó 5 chốt sát 3 bệnh viện và 6 chốt ở các tuyến đường đang bị phong tỏa. Tuyệt đối không để bất cứ người dân ra vào khu vực phong tỏa.
"Ngoài việc bảo đảm an ninh trật tự ở các chốt, công an vẫn tăng cường tuyên truyền cho người dân công tác phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục rà soát người nước ngoài nhập cư trái phép. Tuần tra kiểm soát đề phòng lợi dụng dịch bệnh để phạm tội", Đại tá Hương thông tin.
Sáng 28/7, Chủ tịch Đà Nẵng đã ra văn bản thực hiện giãn cách xã hội ở huyện Hòa Vang từ 13 giờ cùng ngày. Biện pháp cách ly xã hội được áp dụng là gia đình cách ly với gia đình. Tổ dân phố cách ly với tổ dân phố. Phường cách ly với phường. Quận, huyện cách ly với quận, huyện. Phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp. Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Tạm dừng vận tải tuyến đi và đến các bến xe khách trên địa bàn thành phố. Dừng hoạt động kinh doanh vận tải khách các loại xe taxi, hợp đồng, du lịch, xe điện thí điểm... Dừng toàn bộ hoạt động xe buýt nội thành trên địa bàn thành phố và các tuyến liên tỉnh liền kề. Dừng các hoạt động kinh doanh vận tải khách thủy nội địa trên địa bàn Đà Nẵng.
Như vậy, cho đến thời điểm này, toàn bộ các quận, huyện ở TP Đà Nẵng đều thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
"Nội bất xuất, ngoại bất nhập" khu vực phong tỏa
Theo ghi nhận vào sáng 28/7, ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội trở lại ở TP Đà Nẵng, nhiều cửa hàng không thực sự cần thiết trên địa bàn đã đóng cửa để phòng dịch. Tại tất cả các chợ, công sở, công trường, đều sử dụng nước rửa tay, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt… đúng quy định. Còn tại khu vực các bãi biển, các nhân viên bảo vệ quản lý chặt chẽ để người dân không tụ tập đông người.
Lực lượng chức năng đồng loạt ra quân tuyên truyền, nhắc nhở, phát tờ rơi cho các hàng quán, và người dân chấp hành nghiêm công tác phòng chống dịch. Các hàng quán chỉ được bán mang về không được ăn tại chỗ...
Còn tại khu vực phong tỏa 3 bệnh viện lớn và các khu vực lân cận, theo quy định, những người có việc chỉ được di chuyển đến những chốt trực. Sau đó, người bên ngoài chốt đặt hàng, giấy tờ quan trọng ngay tại chốt. Người ở bên trong khu phong tỏa chỉ đến nhận hàng khi người giao hàng đã rời đi. Tại đây, lực lượng gồm công an, quân đội, dân quân tự vệ... bảo vệ nghiêm ngặt, không cho bất cứ người nào ra vào khu vực này, bảo đảm "nội bất xuất, ngoại bất nhập" tại khu vực phong tỏa.
Nhiều người dân trong khu vực phong tỏa rất đồng thuận với việc thực hiện quyết định giãn cách xã hội của UBND TP Đà Nẵng, để phòng chống dịch Covid-19. Anh Hồ Minh Nam (42 tuổi) có nhà ở đối diện Bệnh viện Đà Nẵng cho hay: "Dù biết sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện phong tỏa, nhưng vì bảo đảm không để lây lan dịch bệnh, người dân chúng tôi rất đồng lòng, tin tưởng và cùng chung tay với chính quyền và các ngành chức năng sớm dập được dịch bệnh Covid-19. Mong người dân cả nước cùng chung tay với chúng tôi quyết đẩy lùi dịch bệnh này".
Khuyến khích công dân sử dụng dịch vụ trực tuyến
Ngày 28/7, UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu thực hiện thông suốt, hiệu quả việc tiếp nhận và kịp thời xử lý hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thông qua việc bố trí luân phiên công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính các cấp.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến (tại địa chỉ https://dichvucong.danang.gov.vn) để thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng; sử dụng dịch vụ bưu chính công trong việc gửi hồ sơ và nhận kết quả thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; tuyệt đối không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tình hình dịch để gây khó khăn hoặc không thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp theo quy định.
Chủ động rà soát, quyết định và chịu trách nhiệm về nhóm, lĩnh vực thủ tục hành chính cần ưu tiên tiếp nhận trực tiếp và tập trung giải quyết kịp thời cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; trong đó, chú ý các hồ sơ thủ tục hành chính liên quan trực tiếp lợi ích chính đáng của tổ chức, người dân, doanh nghiệp; nghiên cứu giải pháp hỗ trợ các đối tượng yếu thế (người già, người tàn tật…) trong thực hiện giao dịch thủ tục hành chính...