Đà Nẵng muốn “đánh thức” chợ đêm Sơn Trà

GD&TĐ - Sau 2 lần bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tiểu thương tại chợ đêm Sơn Trà (TP Đà Nẵng) giờ đây đang trong tình trạng mỏi mòn đợi khách tham quan mua sắm.

Chợ đêm Sơn Trà (TP Đà Nẵng) khá vắng du khách.
Chợ đêm Sơn Trà (TP Đà Nẵng) khá vắng du khách.

Một số tiểu thương đã đóng cửa vì buôn bán ế ẩm. Ngành du lịch Đà Nẵng đang kết hợp với các địa phương triển khai quảng bá sản phẩm du lịch, với mong muốn sớm đưa du khách quay trở lại.  

Sức mua kém, tiểu thương mỏi mòn chờ khách

Ghi nhận tại chợ đêm Sơn Trà (Đà Nẵng) những ngày qua, trái ngược với cảnh đông đúc náo nhiệt cách đây vài tháng, giờ đây đường dẫn vào vắng lặng và thông thoáng. Một số quầy hàng đã “cửa đóng, then cài”. Một số gian hàng vẫn cố gắng “cầm cự” mở cửa nhưng chỉ lẻ tẻ vài khách hàng ghé mua đồ, chủ yếu là người dân địa phương.

Chị Nguyễn Thị Hiền (32 tuổi, trú quận Sơn Trà), chủ một gian hàng quần áo cho biết, quầy hàng của chị mở cửa kinh doanh nhưng giờ đây sức mua rất kém khi du khách chưa đến nhiều.

“Mở như vậy chứ có nhiều ngày liên tục tôi chẳng bán được gì. Chợ bây giờ chỉ có vài người lác đác đi dạo, thi thoảng ghé vào xem một chút rồi lại đi chỗ khác, chẳng mua sắm gì hoặc nếu có thì chỉ là uống ly nước rồi đi”, chị Hiền than thở.

Không chỉ riêng quầy chị Hiền, gần đó, quầy lưu niệm của bà Nguyễn Thị Hường (42 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn) cũng đang trong tình trạng ế khách. Bà Hường cho biết, dọn hàng ra từ 18 giờ đến khi dọn hàng vào là hơn 23 giờ nhưng không bán được bất kỳ món hàng nào.

“Bán chủ yếu là khách du lịch mà không có khách thì lấy gì mà bán. Tình hình này xảy ra kể từ đầu tháng 8 đến nay, nhiều tiểu thương như chúng tôi đã đóng cửa, tôi chỉ mong sao cho có cách gì đó để thành phố hấp dẫn du khách đến thăm quan, có thể chúng tôi mới buôn bán được”, bà Hường nói.

Cũng theo bà Hường, dù chính quyền có chính sách hỗ trợ giảm thuê mặt bằng để khuyến khích tiểu thương duy trì hoạt động kinh doanh nhưng quan trọng nhất vẫn là không có khách du lịch nên việc kinh doanh đang gặp khó.

“Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế nên người dân cũng hạn chế chi tiêu, chợ đêm cũng vì thế bị ảnh hưởng”, bà Hường tâm sự.

“Cứu sống” nền kinh tế đêm

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, thành phố đã và đang xây dựng nhiều nhóm giải pháp để phục hồi lại nguồn khách du lịch đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh… vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19, tránh tình trạng đóng cửa, phá sản do ảnh hưởng của dịch.

“Chỉ có phục hồi lại nguồn khách thì kinh tế đêm mới sống lại được, chúng tôi đang thực hiện nỗ lực làm điều này”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cũng cho hay, để hình thành được một nền kinh tế ban đêm có sức hút đối với du khách thì phải xây dựng hệ thống sản phẩm kích cầu du lịch hấp dẫn, cần có sự tham gia của cả cộng đồng doanh nghiệp trong việc mở cửa trở lại và giới thiệu sản phẩm mới đến du khách.

Để có nguồn du khách, ngày 25/11, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cùng với Hiệp hội Du lịch thành phố, “bắt tay” với Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch các địa phương Huế, Quảng Nam để tung chương trình kích cầu du lịch với chủ đề “Ba địa phương - Một điểm đến nhiều trải nghiệm”.

Chương trình nhằm thúc đẩy và hỗ trợ khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch trong trạng thái bình thường mới, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội” đồng thời triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát động.

Chương trình cũng nhằm khẳng định và quảng bá hình ảnh các điểm đến hấp dẫn Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam đã sẵn sàng tái khởi động và hồi sinh mạnh mẽ sau ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai khắc nghiệt. Du khách sẽ có được nhiều cảm xúc, trải nghiệm thú vị khi đến tham quan du lịch tại ba địa phương.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho hay, với nỗ lực mang đến cho du khách thật nhiều cảm xúc tươi mới, hạnh phúc và những trải nghiệm thú vị, chúng tôi hy vọng thông qua chương trình kích cầu lần này sẽ thu hút đông đảo du khách đến với miền Trung thân yêu.

“Để làm được điều đó, tôi đề nghị Hiệp hội Du lịch 3 địa phương và các doanh nghiệp tiếp tục liên kết chặt chẽ cùng nhau để tổ chức triển khai chương trình kích cầu đạt hiệu quả và ngày càng có thêm nhiều sản phẩm/dịch vụ mới hấp dẫn đưa vào phục vụ du khách”, bà Hạnh nói.

Bà Hạnh cũng đề nghị các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia chương trình cần nhận thức và thực hiện nghiêm túc 2 nội dung. Cụ thể là duy trì thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa điểm kinh doanh dịch vụ.

Bên cạnh đó là cam kết đảm bảo giữ đúng chất lượng dịch vụ, giá cả và các mức ưu đãi đã công bố. “Sở Du lịch từng địa phương sẽ phối hợp với các hiệp hội du lịch tăng cường giám sát và thu thập ý kiến của du khách sau khi tham gia trải nghiệm các gói dịch vụ du lịch để hoàn thiện chương trình và bảo đảm mục tiêu đề ra”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.