Đà Nẵng kiểm tra trực tuyến cuối kỳ: Thử thách lòng trung thực

GD&TĐ - Trừ khối 9 và khối 12, HS các khối lớp còn lại của bậc THCS, THPT đều làm bài kiểm tra cuối học kỳ II theo hình thức trực tuyến. Gần như các trường đều sử dụng phần mềm có ghi hình khi các em làm bài.

Một room kiểm tra trực tuyến theo danh sách lớp của Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu).
Một room kiểm tra trực tuyến theo danh sách lớp của Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu).

Cơ hội thử thách tính trung thực

Trước khi làm bài kiểm tra chính thức bằng hình thức trực tuyến, Lê Đăng Quốc - HS lớp 10/5, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà) đã có một buổi làm bài thử trên hệ thống.

Quốc chia sẻ: "Các thao tác nhận link đề, làm bài và nộp bài cũng khá đơn giản, chỉ cần chút lưu ý là có thể thuần thục. Nếu so với kiểm tra trực tiếp thì kiểm tra trực tuyến HS còn đỡ căng thẳng và áp lực hơn do mình không có cảm giác có thầy cô giáo giám sát thường xuyên, liên tục nên dễ suy nghĩ để làm bài hơn". Tuy nhiên, theo như Quốc thì với những bạn không có điện thoại để chụp lại bài làm phần tự luận thì sẽ khó khăn, buộc phải xoay xở như phải mượn của bố mẹ hoặc người thân. 

Một học sinh tâm sự rằng các em được thầy cô phổ biến là ngoài ghi hình hoạt động của HS trong quá trình làm bài, phần mềm còn quét được cả màn hình máy tính, ghi nhớ có bao nhiêu tab được mở, nhận diện giọng nói...

Có 2 con tham gia kiểm tra trực tuyến ở cả 2 bậc học, chị Lê Thị Hải Lý (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) nhận xét: "Trong thời gian ngắn mà các trường đã có kế hoạch và triển khai hình thức thi trực tuyến khá tốt, trong đó vai trò của GV chủ nhiệm rất quan trọng. Đây là đầu mối giải quyết tất cả những vướng mắc cũng như hỗ trợ tốt cho phụ huynh và HS. Vấn đề lo ngại là sự công bằng và trung thực trong kết quả thi". 

"Vẫn biết nhà trường sẽ đánh giá dựa vào năng lực học của HS trong cả năm nhưng không ai dám chắc các con không sử dụng tài liệu hoặc có sự hỗ trợ của người lớn. Trừ môn Ngữ văn làm theo hình thức tự luận, các môn khác gần đều 100% trắc nghiệm. Với số lượng câu hỏi so với thời gian làm bài thi thì các cháu khó xoay xở tài liệu nhưng người lớn có thể hỗ trợ. Mình thì chỉ hỗ trợ con trong quá trình chụp hình làm sao nét và rõ thôi chứ kiến thức thì chịu" - chị Lý cho biết thêm.

Quan sát quá trình tham gia kiểm tra học kỳ II bằng hình thức trực tuyến của con, chị Đinh Thị Nga (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) nhận xét: "Vì nhà trường có yêu cầu HS bật camera trong quá trình làm bài, mỗi room đều có từ 2-3 GV giám sát cùng với cả GV chủ nhiệm nên nếu chỉ cần lưu ý các cử động hình ảnh, có thể thấy được những dấu hiệu nghi ngờ nếu các em có biểu hiện gian lận". 

Một bài làm môn Ngữ văn của HS Trường THPT Trần Phú đã chấm điểm có lời phê trên Microsoft Team.
Một bài làm môn Ngữ văn của HS Trường THPT Trần Phú đã chấm điểm có lời phê trên Microsoft Team.

Học sinh cần lưu ý gì?

Nhận xét kết quả bài thi môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Đình Hòa - GV Trường THPT Trần Phú cho biết: "HS có khoảng thời gian ôn tập khá dài theo đề cương có sẵn của nhà trường do tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, kết quả bài thi của HS nhìn chung là khá cao. Tuy nhiên, nếu so với quá trình học tập và kiểm tra, đánh giá trong suốt một năm học vừa qua thì không có sự chênh lệch đáng kể". 

Sau ngày đầu tiên kiểm tra trực tuyến ở môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Đình Hòa có những lời khuyên đối với HS. Theo đó, HS cần đăng nhập vào tài khoản sớm để kiểm tra và giữ tính ổn định của đường truyền. Nhiều em đợi sát giờ mới truy cập, gặp vài sự cố nhỏ sẽ ảnh hưởng thời gian làm bài. Đặt đồng hồ nhắc nhở trước khi hết giờ ít nhất 5 phút.

Nên làm trước vài bài kiểm tra thử cho quen các thao tác, các nút lệnh. Đã có nhiều bạn làm xong lại quên mất thao tác cuối cùng, thoát ra khỏi tài khoản khi bài chưa nộp lên hệ thống.

Nên lưu tên bài kiểm tra có gắn tên học sinh - lớp - môn thi! Vd: nguyendinhhoa-106-nguvan.docx thì thầy cô sẽ nhận diện bài thi của học sinh dễ hơn.

Thầy Hòa rất lưu ý đến thao tác nộp bài của HS: "Tốt nhất là các em nộp bài ngay trên ứng dụng phần mềm kiểm tra trực tuyến mà nhà trường đang ứng dụng. Ở đó có quản lý danh sách HS theo lớp, sẽ thể hiện HS nào chưa đăng nhâp - đã đăng nhập làm bài - đã nộp bài - đã chấm điểm. Khi đã thao tác đúng thì yên tâm bài đã nộp.

GV có thể dùng lệnh trả lại nhiệm vụ này để xác nhận HS đã nộp bài.Khi không nộp bài được trên hệ thống, các em mới chọn đến phương án nộp bài qua hệ thống khác như zalo hay mail... Không nên nộp bài trùng lặp trên nhiều hệ thống cùng lúc".

Giáo viên Trường THCS Kim Đồng (quận Hải Châu) theo dõi quá trình làm bài kiểm tra của HS trên hệ thống phần mềm trực tuyến.
Giáo viên Trường THCS Kim Đồng (quận Hải Châu) theo dõi quá trình làm bài kiểm tra của HS trên hệ thống phần mềm trực tuyến.

Một lỗi mà HS hay mắc phải cũng được thầy Hòa nhắc nhở: "Các em khi gửi bài qua mail, zalo..., ngoài việc lưu tên bài kiểm tra có gắn tên học sinh - lớp - môn thi thì nên đánh vài dòng thông tin để thầy cô dễ biết, dễ chấm. Ví dụ: Em là Nguyễn Đình Hòa lớp 10/6 nộp bài kiểm tra học kì 2 môn Ngữ văn.

Nhiều em gởi bài qua mail mà tên mail, nội dung mail, tên bài thi... đều không thể hiện bài thi đó của ai, lớp nào nên GV phải vào bài để đọc rất mất thời gian khi hơn trăm bài thi về cùng lúc. Không nên gởi link liên kết để nộp bài vì nhiều máy tính bảo mật cao không cho mở các link bị đánh dấu nghi ngờ".

Một kinh nghiệm nữa là với bài kiểm tra tự luận môn Ngữ văn, sau khi làm xong trên flie word, HS nên kiểm tra lỗi chính tả, lỗi đánh máy. Định dạng lại thống nhất font chữ, cỡ chữ, thể thức trình bày văn bản. Yếu tố thẩm mĩ của bài kiểm tra có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của thầy cô khi chấm điểm.

Kỳ vọng về ứng dụng CNTT 

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, có con đang học lớp 6, trường THCS Nguyễn Văn Cừ (quận Sơn Trà) nhận xét: "Trước khi HS kiểm tra cuối học kỳ, GVCN đã phổ biến các quy định, lịch kiểm tra... thông qua nhóm zalo. Phụ huynh vì thế cứ phải túc trực zalo thường xuyên vì sợ trôi tin nhắn, bỏ sót mất những thông tin quan trọng.

Có những lúc nhận được thông báo lúc 17h30 thông báo HS vào lớp, giờ đó đang là giơ sinh hoạt buổi tối của nhiều gia đình, nấu nướng, ăn tối nên nhiều nhà ko để ý được tin nhắn. Vì vậy, nên thông báo một lần và có kênh chính thống, ít thay đổi nội dung thì tốt hơn. Tuy nhiên, vì đây là lần đầu tiên áp dụng kiểm tra theo hình thức này, cũng không tránh khỏi lúng túng nên nhìn chung, phụ huynh chúng tôi rất thông cảm và hợp tác tốt với GV". 

Chị Tâm kể: "Trước khi kiểm tra chính thức, nhà trường thông báo làm thử, nhiều HS vào làm nhưng nộp bài không thành công vì hệ thống thông báo nâng cấp, gây tâm lý hoang mang lo lắng cho nhiều phụ huynh. Khi thi đòi hỏi HS phải có hai thiết bị: một điện thoại thông minh và một máy tính hoặc 2 điện thoại, không phải HS nào cũng có thể đáp ứng được. Cũng có nhiều phụ huynh quá lo nên dẫn đến hầu như phụ huynh nghỉ làm để hỗ trợ con thi. Nếu khắc phục được điểm này thì tốt quá". 

Tuy nhiên, theo như chị Tâm thì HS kiểm tra phần trắc nghiệm trên máy tính nhưng phần bài tự luận nộp riêng cho cô giáo.

"Điểm này có vẻ chưa tối ưu lắm, tất cả bài thi nên upload lên hệ thống cho khách quan, nhà trường, phụ huynh, học sinh đều có thể tra soát được bài làm. Từ cuộc tập dượt này linh động theo hoàn cảnh dịch bệnh, có thể nhìn thấy triển vọng đối với ứng dụng CNTT vào công tác kiểm tra, đánh giá HS nếu tiếp tục phát triển, hoàn thiện theo hình thức trực tuyến" - chị Tâm nhận xét. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.